Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ

11/12/2024 09:35

Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang Mỹ sau một thời gian sụt giảm, đã tăng trở lại trong tháng 10. Tại thị trường Mỹ, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn thứ 2, chiếm hơn 17% tổng khối lượng nhập khẩu của nước này.

Sau gần nửa năm sụt giảm liên tục, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang Mỹ đã tăng trở lại trong tháng 10. Giá trị xuất khẩu cá ngừ đóng hộp trong tháng này đạt gần 12 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Tính luỹ kế 10 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu đạt hơn 87 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ.

Mỹ đang là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong nhiều năm qua, chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này.

Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ- Ảnh 1.

Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ. Ảnh: Int

Tại phân khúc cá ngừ đóng hộp, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của nước này sau khi đạt mức cao nhất vào năm 2022, khối lượng đã sụt giảm mạnh sau đó. Năm 2024, nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Mỹ hiện chỉ ở mức tương đương so với cùng kỳ. Các nhà chế biến đồ hộp châu Á đang mở rộng thị trường tại Mỹ trong giai đoạn này. Thái Lan vẫn là nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn nhất cho Mỹ. Tuy nhiên, lượng cá ngừ đóng hộp nhập khẩu từ Thái Lan vào Mỹ trong giai đoạn này chỉ ở mức tương đương so với cùng kỳ. Trong khi đó, Mỹ lại tăng nhập khẩu từ Việt Nam và Hàn Quốc.

Các nhà sản xuất đồ hộp Mexico, Indonesia và Ecuador cũng đang bị mất thị phần tại thị trường Mỹ. Trong đó, nhập khẩu từ Indonesia sụt giảm liên tục trong 3 năm qua.

Hiện Việt Nam đã vượt qua Mexico trở thành nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn thứ 2 cho nước này sau Thái Lan, chiếm 12% tổng khối lượng nhập khẩu. Các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cũng đã được các DN điều chỉnh giá thấp hơn, dao động trung bình ở mức 4.670 USD/tấn.

Hiện tại kinh tế Mỹ đang phục hồi nhanh chóng. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2024 và 2025. Theo đó, đây là nền kinh tế phát triển duy nhất có triển vọng được điều chỉnh tăng cho cả hai năm. Tiêu dùng nội địa tại Mỹ cao hơn và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh tiền lương và giá cả tài sản tăng. 

Do đó, doanh số bán lẻ thuỷ sản tại Mỹ đang tăng lên, dự kiến sẽ thúc đẩy nhập khẩu thuỷ sản, bao gồm cả cá ngừ, trong thời gian tới. Do đó, đây sẽ là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho các DN Việt Nam. Ngoài ra, kết quả bầu cử Mỹ vừa qua với việc cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử sẽ tác động tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. 

Để thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ - một trong những ngành hàng thủy sản chiến lược của Việt Nam, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Những chính sách này không chỉ nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của sản phẩm cá ngừ Việt Nam trên thị trường quốc tế mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành.

Thời gian qua nước ta đã tập trung đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, RCEP và các FTA khác, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu cá ngừ vào các thị trường lớn... Việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã mở ra cơ hội lớn để thâm nhập thị trường Trung Đông.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ cũng được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư vào trang thiết bị, công nghệ chế biến và bảo quản, hỗ trợ cải thiện quy trình sản xuất. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao và nguồn cung nguyên liệu không ổn định. Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm cá ngừ tại các hội chợ quốc tế và kết nối trực tiếp với đối tác tiềm năng.

Với đà tăng trưởng mạnh mẽ, ngành cá ngừ Việt Nam kỳ vọng tiếp tục đạt được thành công lớn trong năm 2025. Tuy nhiên, để duy trì sự phát triển bền vững, ngành cần chú trọng đến việc khai thác hợp lý và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường biển. Đồng thời, việc mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện chất lượng vẫn là những yếu tố then chốt để giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế.

Huyền My (t/h)