Việt Nam - Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới

24/04/2025 09:36

Phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Cấp cao Khối Khách Hàng Doanh Nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam không chỉ nổi lên như một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI, mà còn đóng vai trò là mắt xích chiến lược trong chuỗi giá trị khu vực, kết nối các nền kinh tế ASEAN.

Bàn về câu chuyện thu hút và phát huy lợi thế của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) vào tăng trưởng kinh tế tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025 với chủ đề “Việt Nam - Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới” diễn ra chiều 23/4, các đại biểu cho rằng Việt Nam vẫn được coi như một điểm đến đầu tư hấp dẫn và chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc mạnh mẽ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, tính đến hết tháng 3.2025, Việt Nam có hơn 42.760 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký vượt 510 tỉ USD, xếp trong nhóm 15 quốc gia thu hút FDI lớn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ khoảng 5% trong tổng vốn FDI được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, một con số được đánh giá là chưa tương xứng với kỳ vọng.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung khẳng định Việt Nam đang có một môi trường rất phù hợp để các doanh nghiệp FDI phát triển. Nhưng để đi xa, chúng ta cần đi cùng nhau, cần sự chia sẻ và đóng góp từ chính cộng đồng doanh nghiệp FDI.

Việt Nam - Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Tại diễn đàn, ông Lim Dyi Chang - Giám đốc Cấp cao Khối Khách Hàng Doanh Nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam đánh giá trong bối cảnh những dịch chuyển sâu rộng đang tái định hình cục diện thương mại toàn cầu, Việt Nam không chỉ đang nổi lên như một điểm sáng về thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mà còn là một trong những thị trường tiềm năng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư quốc tế.

Theo ông Lim Dyi Chang, những biến động về chính sách thương mại, thuế quan và tình hình địa chính trị phức tạp đang làm gia tăng áp lực lên các chuỗi sản xuất và thương mại toàn cầu. Hiện nay, các doanh nghiệp đang tìm kiếm những điểm đến đầu tư không chỉ có khả năng thích ứng nhanh, mà còn có thể phân tán rủi ro một cách hiệu quả và tạo ra triển vọng phát triển bền vững.

Với triển vọng dài hạn tích cực, ông Lim Dyi Chang cho rằng ASEAN vẫn giữ vững vị thế là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đặc biệt nổi bật với dân số trẻ, lực lượng lao động giàu kỹ năng công nghệ và mạng lưới thương mại nội khối ngày càng gắn kết.

“Trong đó, Việt Nam không chỉ nổi lên như một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI, mà còn đóng vai trò là mắt xích chiến lược trong chuỗi giá trị khu vực, kết nối các nền kinh tế ASEAN”, ông Lim Dyi Chang nhấn mạnh.

Để phát huy tối đa tiềm năng này, ông Lim Dyi Chang cho rằng Việt Nam cần chuyển mình từ một quốc gia tiếp nhận vốn đơn thuần thành một đối tác chiến lược, chủ động tạo ra giá trị.

“Đặc biệt, thành công của chiến lược FDI không chỉ được đo bằng lượng vốn thu hút, mà quan trọng hơn là hiệu quả mà dòng vốn đó mang lại, qua việc nâng cao năng lực ngành, phát triển cộng đồng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của khu vực”, ông chia sẻ.

Ông Lim Dyi Chang khẳng định: Trong kỷ nguyên FDI mới, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để vươn lên trở thành điểm đến đầu tư chiến lược, giá trị cao và sẵn sàng cho tương lai. Tuy nhiên, thành công không thể đến chỉ bằng các biện pháp xúc tiến hay cải cách chính sách. Đó còn là câu chuyện của nền tảng vững chắc của việc đầu tư vào hạ tầng, con người, niềm tin và sự chuyển đổi.

Huyền My (t/h)
Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam - Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới" tại chuyên mục KINH TẾ.