Vẫn đang tìm cách tiếp cận nơi sạt lở Phước Sơn

30/10/2020 15:57

Sáng 30/10, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam - chủ trì cuộc họp bàn phương án tiếp cập hiện trường vụ sạt lở ở Phước Sơn.

Theo ông Hà, hiện hai đường tiếp cận đến xã đều không được. Từ xã đi vào hiện trường bị chia cắt hết, qua phân tích thì do lũ quét.

Hiện nay, đường DH1 đi từ hướng xã Phước Thành tới Phước Lộc đã thông tuyến tới cầu Xà Oai. Tuy nhiên, từ cầu Xà Oai đi vào Phước Lộc còn khoảng 50km với có rất nhiều điểm sạt lở rất nghiêm trọng.

Ông Hà nói, nếu thời tiết thuận lợi như hôm qua sẽ huy động trực thăng. Nhưng hôm nay sương mù, phải tính cho phù hợp. Nếu trời quang mây tạnh sẽ huy động máy bay.

Cuộc họp đang diễn ra tại UBND huyện Phước Sơn
Cuộc họp đang diễn ra tại UBND huyện Phước Sơn

 

Được biết, Hiện dân tại thôn 6 là 119 khẩu, lương thực không đảm bảo. Sáng nay xã Phước Lộc đã huy động đưa nhu yếu phẩm vào.

Xã Phước Lộc (904 người) còn 4 tấn gạo, xã Phước Thành còn 700kg, và 217 công nhân thủy điện Đắk Mi 2. Sạt lở chia cắt khiến đường sá không tiếp cận được, tình hình cung cấp lương thực, thực phẩm cho dân rất căng thẳng.

Hiện 3 xã bị cô lập tại huyện Phước Sơn số lượng người dân mất nhà rất nhiều. Như xã Phước Lộc trên 30 hộ mất nhà, xã Phước Thành 41 hộ mất sạch nhà và tài sản, trên người chỉ còn một bộ đồ, còn tài sản trôi sạch. Xã Phước Kim cũng có 15 hộ mất hoàn toàn nhà ở.  

Vấn đề nước sinh hoạt cũng rất căng thẳng, xã Phước Lộc, Phước Thành còn 2 ngày nữa mất nước, phải hứng nước mưa vì hệ thống nước sạch không còn. Ông Nguyễn Mạnh Hà yêu cầu lực lượng của huyện phải tính toán bố trí ăn ở tạm thời cho dân.

Ông Nguyễn Quảng, phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết trước mắt sẽ ưu tiên sử dụng lực lượng tại chỗ xã Phước Lộc và huy động lực lượng xã Phước Thành gần đó vào ứng cứu, tìm kiếm người mất tích trước. 

Đến giờ phút này, các xã còn lại rất ít gạo và thực phẩm, do đó, huyện sẽ huy động số gạo dành cho học sinh các trường để cứu giúp cho dân. Đồng thời, cố gắng vận chuyển gạo tiếp tế từ tỉnh vào được càng sâu càng tốt. 

Huyện cũng xuất ngân sách mua nhu yếu phẩm, quần áo cần thiết để đảm bảo dân đủ ấm. Tuy nhiên, nếu không có đường nào khác để tiếp cận tiếp tế cho các xã thì huyện Phước Sơn đề nghị quân đội hỗ trợ máy bay thả hàng tiếp tế cho dân.

Hiện tại công ty thủy điện Đăk Mi 2 còn 217 công nhân còn bị cô lập hoàn toàn, chia cắt. Sông Đăk Mi chưa thể qua. Lương thực đủ ăn cho 2 ngày. Lực lượng chức năng đang tìm cách tiếp cận bảo đảm tiếp tế lương thực, thực phẩm. Ban chỉ huy quân sự huyện Phước Sơn có các đề xuất, kiến nghị.

Với một số công nhân bị cô lập, trước hết thực hiện tiếp tế lương thực, thực phẩm qua dây cáp đã được công ty kéo qua trạm vận hành tại khu vực cầu Khỉ.

Với công nhân tại nhà máy và đập chính, tìm cách tiếp cận lương thực: Phương án 1: Tìm cây to cắt cho ngã ngang qua suối làm cầu. Phương án 2: có thể kiểm tra đường từ Đăk Choong, Đăk Lây cơ động vào. Phương án 3 đề nghị trực thăng treo và thả lương thực, thực phẩm.

Theo Minh Đức

"https://thuonghieucongluan.com.vn/van-dang-tim-cach-tiep-can-noi-sat-lo-phuoc-son-a117748.html"

Bạn đang đọc bài viết "Vẫn đang tìm cách tiếp cận nơi sạt lở Phước Sơn" tại chuyên mục TIN TỨC.