Những phản ứng gặp sau tiêm vắc xin
Theo TS, BS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, liều tiêm vắc xin cho trẻ em chỉ bằng 1/3 so với người lớn. Theo hướng dẫn từ hãng dược Pfizer, trẻ từ 5 đến 11 tuổi sử dụng vắc xin với liều 10 microgam. Nguyên tắc, khi thử nghiệm lâm sàng thuốc và vắc xin, các nhà nghiên cứu sẽ xem liều nào thấp nhất nhưng vẫn sinh miễn dịch tối ưu, tức là miễn dịch phải đủ tốt để bảo vệ.
TS Thái cho biết trẻ em 5-11 tuổi phần lớn chưa bước vào giai đoạn dậy thì, chưa trải qua quá trình cơ thể thay đổi hormone, do đó ít xảy ra các phản ứng phụ sau tiêm. Với liều tiêm chỉ bằng 1/3 người lớn, trẻ sẽ không có các phản ứng phụ bất lợi nên đây được đánh giá là mũi tiêm an toàn.
Liên quan tới nguy cơ viêm cơ tim sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở trẻ em, TS Thái nhấn mạnh với liều tiêm 10 microgam ở trẻ nhỏ, gần như không thấy trường hợp nào gặp phải vấn đề với cơ tim.
"Một số phản ứng thường gặp ở trẻ như sưng đau tại chỗ, mệt mỏi 1-2 hôm, thì sau đó hết. Ở các nước đã tiêm vắc xin cho đối tượng trẻ độ tuổi này không gặp biến cố bất lợi hay viêm cơ tim", bác sĩ Thái nói.
Trong Quý I và II năm 2022, Việt Nam sẽ tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
Dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy tác dụng phụ của vắc xin Pfizer (loại vắc xin được nhiều nước chấp thuận tiêm cho trẻ nhỏ) cũng giống với các vắc xin cơ bản mà trẻ tiêm vào những tháng đầu đời. Phản ứng phổ biến nhất là mệt mỏi, ớn lạnh, đau nhức cơ, sưng đỏ cánh tay. Những triệu chứng này sẽ biến mất sau vài ngày, không có báo cáo về tác dụng phụ lâu dài.
TS. Thái lưu ý trẻ em không như người lớn, sau tiêm có thể đau khóc hoặc mải chơi, khả năng thông báo cho người lớn về sức khỏe sẽ kém hơn. Do đó, khi tiêm cho trẻ, các nhân viên y tế cần cẩn trọng hơn, dặn dò gia đình theo dõi dấu hiệu triệu chứng sau tiêm.
"Hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, quy trình xử lý sự cố trong quá trình tiêm chủng và theo dõi sau tiêm.
Bộ Y tế đang tiếp tục tập huấn y tế các tuyến để bảo đảm an toàn cho trẻ trong tiêm chủng, tức là bất kỳ trẻ em nào cũng được theo dõi sức khỏe một cách cẩn trọng nhất", TS. Thái thông tin.
Trẻ em nhiễm Covid-19 thường nhẹ
Khi được hỏi trẻ em mắc Covid-19 thường nhẹ thì có cần tiêm vắc xin hay không, TS Thái cho rằng hội chứng hậu Covid-19 không chỉ xảy ra ở người lớn mà ngay cả trẻ em. Trẻ em khi nhiễm Covid-19 ít biến chứng nặng nhưng những tác dụng kéo dài liên quan Covid-19 khá phổ biến, ảnh hưởng tới sức học của trẻ con.
Bên cạnh đó, trẻ em khi mắc Covid-19 có thể tiếp tục làm nguồn lây nhiễm và lây cho người lớn, cho người không được tiêm. Đó là sự nguy hiểm của việc duy trì chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.
"Riêng với trẻ béo phì, có bệnh nền, đây là đối tượng càng cần phải tiêm sớm, tiêm trước trong bệnh viện vì trẻ có nguy cơ diễn biến nặng nếu mắc Covid-19.
Đó là lý do vì sao trẻ em nên được tiêm chủng vì những giá trị kéo dài tốt đẹp của tiêm vắc xin Covid-19, để chủ động bảo vệ sức khỏe trẻ và sớm trở lại cuộc sống bình thường", bác sĩ Thái nói.
Theo TS Thái, phần lớn tâm lý người lớn đang lo ngại quá mức với vắc xin, trong khi nhiễm virus thật còn nguy hiểm hơn nhiều lần. Do đó, các bậc phụ huynh không nên do dự trước việc tiêm vắc xin Covid-19 cho con mình kể cả ở nhóm tuổi nhỏ.