Tiêu thụ điện tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm đạt khoảng 110 tỷ kWh, tăng 14,1%

05/06/2024 08:36

Lần đầu tiên trong lịch sử, vào ngày 28/5/2024, tổng lượng điện tiêu thụ trên cả nước đã vượt mốc 1 tỷ kWh/ngày. Dù đây là chỉ dấu đáng mừng của sự phát triển, nhưng cũng đặt ra thách thức mới trong việc đảm bảo cung ứng điện ổn định, liên tục, an toàn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa (nguồn: Internet)

Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, sản lượng điện thương phẩm của cả nước trong 5 tháng đầu năm đạt khoảng 110 tỷ kWh, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Tiêu thụ điện tăng mạnh không chỉ bởi thời tiết nắng nóng gay gắt tái diễn ở nhiều khu vực trên cả nước, mà còn đến từ sự hồi phục của nền kinh tế sau giai đoạn Covid-19. Minh chứng là, lượng điện cấp cho hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng trong thời gian trên tăng 11,1%; điện cấp cho tiêu dùng dân cư cùng thương mại - dịch vụ tăng tới 18%. Những con số này đều vượt xa mức dự báo tăng trưởng (chỉ khoảng 9,15%) đưa ra khi phê duyệt vận hành hệ thống năm 2024.

Rất mừng là từ khi bước vào cao điểm khô hạn nắng nóng (tháng 4/2024) đến nay, việc cấp điện vẫn được đảm bảo, không xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên như đầu hè năm 2023.

Để làm được điều này, ngành điện đã phải chuẩn bị từ tháng 10 năm ngoái và liên tục có các biện pháp điều chỉnh rất mạnh tay.

Cụ thể, các nguồn thủy điện có giá thành sản xuất thấp hơn giá bán lẻ điện bình quân được huy động rất dè chừng theo tình hình thủy văn nước về, với mục tiêu giữ nước cao nhằm đảm bảo cung ứng điện đến cuối mùa khô (tháng Sáu). Cũng nhờ vậy, đến cuối tháng 5/2024, sản lượng điện tương ứng lượng nước tích trong các hồ là khoảng 7,8 tỷ kWh, cao hơn 2,1 tỷ kWh so với kế hoạch đặt ra.

Để giữ nước thủy điện, EVN cũng đã huy động tối đa nguồn nhiệt điện than, khí với mức giá nhiều khi cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành. Đơn cử, theo kế hoạch vận hành hệ thống được phê duyệt ban đầu, nguồn điện khí chạy bằng khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu gần như không đáng kể trong cả năm 2024, thì nay, hệ thống đã dùng tới tàu LNG thứ ba để phục vụ phát điện. Tính ra, nguồn điện than, khí được huy động trong 5 tháng đầu năm đã vượt kế hoạch điều chỉnh 3,52 tỷ kWh.

Như vậy, để đảm bảo cấp điện liên tục và ổn định, EVN đã phải hy sinh mục tiêu cân đối tài chính của mình. Chưa kể, việc hạn chế phát thủy điện còn khiến nhiều địa phương liên quan rất phiền lòng vì hụt thu ngân sách, vì lo không đủ nước cho sinh hoạt và nông nghiệp mùa khô hạn.

Cũng rất may là từ đầu cao điểm mùa khô (tháng Tư) tới nay, mới chỉ có 2 đợt nắng nóng cao điểm. Nếu nắng nóng nhiều hơn và kéo dài, thì nỗ lực đảm bảo điện cho nền kinh tế có thể sẽ phải đối diện với những thách thức không hề mới, như có công suất nhưng không thể phát điện như kỳ vọng, bởi máy cũng “mệt” vì nóng.

Song với nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế hiện nay, hệ thống điện rõ ràng cần sớm được bổ sung cả công suất và sản lượng từ các dự án điện mới, nhất là khi đường dây 500 kV mạch 3 đang được đẩy nhanh thi công cũng chỉ giúp tăng thêm chưa tới 2.000 MW cho miền Bắc, nhưng phải kèm điều kiện là miền Trung và miền Nam thừa điện để chuyển ra.

Nhu cầu điện rất cao, nhưng việc triển khai các dự án nguồn điện mới và lớn, nhất là ở miền Bắc, lại chưa mấy khả quan.

Cuộc họp mới đây giữa Bộ trưởng Bộ Công thương với 15 địa phương và chủ đầu tư liên quan 23 dự án điện khí (quy mô 30.424 MW) trong danh mục các dự án trọng điểm đầu tư của Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII cũng cho thấy, những dự án này tiến triển rất chậm. Thậm chí, cơ hội bứt phá cũng chưa rõ ràng, dù có ban hành cơ chế cho các dự án điện khí như dự thảo hiện nay. Đó là bởi, nhiều nhà đầu tư tư nhân hiện chưa thể ước định được hiệu quả mang lại để mạnh dạn xuống tiền.

Không chỉ dự án điện khí, các dự án mới về điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ cũng ít chuyển động. Nguyên nhân chính là do chính sách hiện tại chưa rõ ràng hoặc chưa hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân.

Để đạt được tổng công suất hệ thống là 85.000 MW ở thời điểm hiện nay, ngành điện đã trải qua 70 năm xây dựng và phát triển. Vì thế, mục tiêu nâng công suất lên 150.489 MW vào năm 2030, tức gần gấp đôi mức hiện có trong thời gian gần 7 năm nữa đòi hỏi phải có chính sách đột phá, cũng như cách làm mới từ hệ thống quản lý Nhà nước.

Một khi chính sách không hấp dẫn, thì sẽ rất khó thuyết phục nhà đầu tư tư nhân rót vốn triển khai dự án và tất yếu, việc hiện thực hóa các mục tiêu, kế hoạch đề ra sẽ là điều không tưởng.

Hà Trần (t/h)