Ông Anindya Novyan Bakrie, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch của Bakrie & Brothers, một tập đoàn đa ngành của Indonesia có đơn vị con VKTR đang sản xuất xe buýt điện cùng nhiều bộ phận của xe điện, cho biết Indonesia có thể là "cửa ngõ" đưa các đối tác nước ngoài tiến vào những quốc gia còn lại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Theo báo cáo của ASEAN Briefing, Indonesia - quốc gia lớn nhất Đông Nam Á - tự hào có trữ lượng niken lớn nhất thế giới, ngoài ra còn rất giàu đồng, coban và bauxite - những nguyên liệu cần thiết để sản xuất pin xe điện.
Không chỉ vậy, nước này đang là nước xuất khẩu niken lớn nhất, chiếm 22% trữ lượng thế giới. Indonesia đặt mục tiêu thu hút các nhà sản xuất lớn như Tesla, đồng thời biến nguồn tài nguyên phong phú của mình trở thành trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu quan trọng cho xe điện.
Ông Koketso Tsoai, nhà phân tích ô tô tại công ty tham vấn BMI Fitch Solutions chia sẻ: "Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cần thiết cho xe điện của Indonesia đã củng cố sức hấp dẫn của nước này… Ngoài ra còn có các chính sách thu hút đầu tư vào xe điện, đặc biệt là sau khi chính phủ nước này kêu gọi tận dụng tài nguyên thiên nhiên của mình để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".
Indonesia đã cấm xuất khẩu một số kim loại và khoáng sản nhằm thu hút các nhà đầu tư và nhà sản xuất có nhu cầu về những nguyên liệu này. Mục tiêu trở thành trung tâm pin xe điện toàn cầu của quốc gia này cũng đã nhận được sự ủng hộ đáng kể trong những năm gần đây. Các nhà sản xuất ô tô châu Á như Toyota và Huyndai đã đầu tư hàng tỷ USD để mở rộng cơ sở sản xuất xe điện tại Indonesia.
Báo cáo đầu tư ASEAN năm 2022 cũng nhấn mạnh rằng sản xuất pin xe điện chiếm tỷ trọng đáng kể trong đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực này từ năm 2019 đến năm 2021, đặc biệt là ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Dù vậy, Indonesia vẫn gặp một số trở ngại trong việc thúc đẩy sản xuất ô tô. "Indonesia khó có thể thay thế Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện trong khu vực, vì Bangkok đã có ngành công nghiệp ô tô định hướng xuất khẩu lâu đời. Indonesia cũng sẽ phải đối mặt với thách thức từ các nhà sản xuất có chi phí cạnh tranh hơn như Việt Nam và Philippines", Nishita Aggarwal, nhà phân tích thị trường ô tô tại tổ chức tham vấn EIU cho biết.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng của ngành xe điện Indonesia có thể mang lại hiệu ứng tích cực cho các nước láng giềng. Theo báo cáo của Maybank, bằng cách cung cấp các nguyên liệu chính cho pin xe điện, quốc gia này "có thể thu hút nhiều đầu tư hơn và giúp khu vực ASEAN phát triển xe điện nhanh hơn và rẻ hơn".
Công ty tham vấn chính sách Bakrie & Brothers cho rằng, dù nguồn tài nguyên thiên nhiên của Indonesia đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ sinh thái xe điện của nước này, tăng cường tính cạnh tranh, nhưng các nhà đầu tư vẫn sẽ xem xét tiềm năng và lợi thế của toàn bộ khu vực ASEAN.
Giám đốc điều hành của Bakrie & Brothers cho biết: "Thông qua đánh giá việc sản xuất xe điện ở Indonesia, các công ty muốn có một chiến lược phát triển tổng thể và rộng hơn". Nhà lãnh đạo của Bakrie & Brothers gợi ý, các quốc gia khu vực có thể phối hợp cùng nhau để phát huy những thế mạnh và chuyên môn đa dạng của mình, từ đó mang lại lợi ích cho hệ sinh thái xe điện trong khu vực.
Ông Tsoai của BMI ví dụ, Malaysia cung cấp "nhiều sản phẩm đa dạng, trong đó tích hợp công nghệ cao, phù hợp với kỷ nguyên số hóa đang phát triển mạnh mẽ trong ngành công nghiệp ô tô".
Thái Lan - nhà sản xuất và thị trường xe điện lớn nhất trong khu vực - cũng đang đưa ra các ưu đãi để trở thành trung tâm lớn về sản xuất xe điện. Nước này hướng đến đưa xe điện sản xuất trong nước có giá cả phải chăng hơn.
Trong năm 2023, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã đưa ra tuyên bố về phát triển hệ sinh thái xe điện trong khu vực, thể hiện cam kết chính trị của khu vực trong việc phát triển chuỗi cung ứng xe điện và định vị Đông Nam Á là trung tâm sản xuất xe điện toàn cầu.