Doanh nghiệp bất động sản tìm cách xoay xở trong mùa dịch
Trong các đợt bùng phát dịch COVID-19 lần trước, các doanh nghiệp bất động sản đã từng bước chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh. Bởi vậy, bước vào đợt dịch thứ 4 này, với sự chuẩn bị tốt, nhiều doanh nghiệp vẫn bình tĩnh ứng phó linh hoạt. Người mua nhà cũng bắt đầu dần quen với các cách thức bán hàng mới. Thêm vào đó, nhiều phương thức bán hàng mới, chưa từng có trên thị trường cũng đã xuất hiện, nhằm làm nóng thị trường.
Mới đây, một buổi livestream tư vấn bán hàng trực tuyến với trường quay ảo do 1 sàn giao dịch BĐS tự sản xuất đã được phát trực tiếp trên các tảng Facebook, YouTube. Khách hàng quan tâm có thể tương tác, gửi câu hỏi và được giải đáp ngay.
Theo các sàn giao dịch, trong bối cảnh dịch bệnh, nguồn cung hàng để bán thực tế không có nhiều. Ông Đinh Thế Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Hải Phát Land, cho biết: "Các chủ đầu tư bất động sản rất cân nhắc ra hàng thời điểm này. Có chăng là những sản phẩm hiện hữu, đáp ứng nhu cầu. Các chủ đầu tư phải tặng tặng quà, bán hàng, tính toán điểm rơi và sản phẩm".
Ngoài cách tiếp cận khách hàng mới, từ đầu năm ngoái, các doanh nghiệp bất động sản đã lần lượt chuyển đổi các hình thức kinh doanh trực tiếp sang online. Đó là các trang giao dịch bất động sản trực tuyến, hoặc các ứng dụng mua bán, đặt cọc mua nhà. Theo một số sàn giao dịch bất động sản, lượng khách quan tâm tới đầu tư bất động sản vẫn rất lớn. Giá nhà đất vẫn giữ giá hoặc tăng nhẹ.
Hiện nay, các dự án ra hàng đều đang đẩy mạnh chính sách hỗ trợ về tài chính, như các chương trình Mua nhà 0 đồng, Nhà đổi nhà... nhằm kích cầu mùa dịch.
Phương thức mua nhà mới gần như 0 đồng
Trong một loạt chính sách bán hàng giữa mùa dịch COVID-19 được các chủ đầu tư đưa ra gần đây, nổi bật nhất là phương thức "mua nhà mới gần như không cần vốn" với các tên gọi như "Nhà đổi nhà", "Mua nhà 0 đồng".
Trước hết, phải nói về điều kiện để khách hàng được tham gia. Người mua phải đang sở hữu bất động sản tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hoặc là có sổ tiết kiệm. Ngoài ra, khách hàng cần có sẵn 50 triệu đồng để đặt cọc.
Thông thường, khi đi mua 1 căn nhà tại các dự án do các chủ đầu tư xây dựng, người mua sẽ phải có sẵn số tiền 30% giá trị căn nhà, nộp ban đầu cho chủ đầu tư. Ngân hàng liên kết với dự án sẽ cho vay 70% giá trị căn nhà đó.
Tuy nhiên, với phương thức mua nhà 0 đồng và "Nhà đổi nhà", khoản tiền ban đầu lẽ ra người mua cần bỏ ra, sẽ được ngân hàng giải ngân dựa trên tài sản đảm bảo sẵn có của khách hàng, tức là khách hàng không cần phải nộp khoản tiền ban đầu này, đồng thời, được cho "vay nốt" phần còn lại với giá trị được đảm bảo bằng chính căn hộ sẽ mua.
Những lưu ý khi tham gia phương thức mua nhà mới
Phương thức mua nhà "0 đồng", "Nhà đổi nhà" đã tạo ra nhiều quan điểm trái chiều trên thị trường BĐS thời gian gần đây. Thế nhưng, không thể phủ nhận, phương thức này đã nhận được rất nhiều sự chú ý. Nếu người mua nhà lựa chọn phương thức mua này, họ sẽ cần lưu ý điều gì?
Giới chuyên môn khẳng định, những người tham gia phương thức mua nhà "0 đồng" hoặc "Nhà đổi nhà" này chắc chắn phải là những người có thu nhập khá hoặc cao. Phần đông trong số họ không phải là người mua nhà lần đầu bởi trong điều kiện tham gia, người mua phải đang sở hữu nhà tại Hà Nội và TP HCM. Mục tiêu là để nâng cấp ngôi nhà, cải thiện điều kiện sống.
TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, nhận định: "Nếu chúng ta có khả năng đổi nhà cũ sang nhà mới, an toàn hơn, đẹp hơn tại sao không? Nếu chúng ta có khả năng vay tiền, trám vào sự chênh lệch giữa giá cũ và giá mới thì tại sao không? Chúng ta phải đảm bảo căn nhà mới có tính pháp lý".
Với phương thức này, người mua có lợi là không phải bỏ ngay một lúc khoản tiền mặt lớn để mua nhà, chủ động sắp xếp tài chính từ 2-3 năm. Thậm chí, họ cũng không phải trực tiếp đi bán nhà cũ, mà sẽ được phía ngân hàng và chủ đầu tư định giá, tính toán. Khách hàng sẽ phải tham khảo kỹ càng giá thị trường của căn nhà đang ở để có được thỏa thuận định giá tốt nhất, tránh bị định giá quá thấp.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam, cho biết: "Họ chưa phải trả tiền cho chủ đầu tư mà ngân hàng trả, đảm bảo cho khách hàng an toàn nếu chủ đầu tư chậm hoặc không giao nhà đúng hạn. Đối với chủ đầu tư, mô hình này người mua cảm thấy an tâm hơn, sẽ thúc đẩy giao dịch mua nhà, hy vọng bán được nhiều hàng hơn trong mùa dịch".
Với ngân hàng tham gia phương thức này, họ cũng đạt được sự tăng trưởng tín dụng, các khoản vay có tài sản bảo đảm là các ngôi nhà hiện hữu. Ngoài ra, khoản tiền khách hàng phải vay thêm ngân hàng sẽ được hỗ trợ lãi suất 0% trong 1 khoản thời gian nhất định, tùy từng dự án. Tuy nhiên, lộ trình trả tiền nhà trong các năm tiếp theo như thế nào là điều cực kỳ đáng lưu tâm.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam, cho biết thêm: "Khi người mua cảm thấy an toàn, họ thường quyết định nhanh. Vì quyết định nhanh nên họ đôi khi chủ quan về khả năng thanh toán. Thời gian vay dài, họ đôi khi thiếu thận trọng. Người mua cần tìm hiểu rất kỹ các điều khoản, dù rằng mô hình hay, nhưng phải nghiên cứu kỹ để quyền lợi cho họ".
Mua nhà "0 đồng", "Nhà đổi nhà" là một phương thức mới trên thị trường. Theo các chuyên gia, phương thức này có thể thành công nếu bên phía chủ đầu tư có "ứng xử đẹp" với khách hàng, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng. Những tính toán, định giá khi thực hiện "đổi nhà" cũng được thực hiện 1 cách minh bạch, 2 bên đều có lợi.
Có thể nói, còn quá sớm để đánh giá hiệu quả của phương thức mua nhà gần như 0 đồng này đối với người mua nhà, cũng như việc liệu các chủ đầu tư có thuyết phục được người mua tham gia hay không. Các doanh nghiệp bất động sản nhìn nhận, dịch bệnh COVID-19 chính là "phép thử" khốc liệt đối với họ. Nhưng đây cũng là thời điểm thử thách cần thiết, thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo ra nhiều cách bán hàng mới để tiếp cận khách hàng.