Tháo gỡ khó khăn trong xử lý, tiêu thụ tro, xỉ: Các giải pháp phải đồng bộ, căn cơ và hiệu quả

31/10/2022 16:09

Ngày 28/10/2022, tại TP.Hồ Chí Minh, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp- Bộ Công thương, tổ chức hội thảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón và hóa chất. Đây là hội thảo có ý nghĩa thiết thực, nhằm đưa ra các giải pháp căn cơ, đồng bộ, phù hợp với thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội và bảo vệ môi trường.

Lượng tiêu thụ tro xỉ tăng cao hàng năm

Theo đại diện Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1: Nhà máy có công nghệ tiên tiến, đội ngũ công nhân vận hành tay nghề cao, nắm rõ các quy trình nên đưa được chất lượng tro xỉ về mức phù hợp, trở thành nguyên liệu đầu vào của  các đơn vị tiếp nhận. Nhà máy nằm trong khu vực có nhiều nhà máy sản xuất xi măng, trạm trôn bê tông và khu vực đông dân cư có nhiều hoạt động xây dựng dân dụng và công nghiệp, như: Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Hoàng Mai. Xi măng Bỉm Sơn,  Xi măng Bút Sơn, Xi măng Long Sơn...Đáng chú ý là Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 cùng  đơn vị hợp tác  xử lý tro xỉ, thạch cao tập trung nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp để xử lý các vấn đề kỹ thuật của tro xỉ đồng thời phát triển mở rộng thị trường. Chính vì vậy, tỷ lệ xử lý tro, xỉ  của Nhà máy tăng cao, lượng xử lý lớn hơn với lượng sản xuất ra trong năm, cụ thể là: Năm 2015, lượng tro, xỉ hình thành là 298.799 tấn, lượng xử lý tiêu thụ là 30.789 tấn, khối lượng dưa ra bãi xỉ là 268.010 tấn; năm 2021, lượng tro, xỉ hình thành là 469.443 tấn, số lượng tro xỉ xử lý tiêu thụ là 519.384 tấn, số lượng đưa ra bãi xỉ là 249.940 tấn; trong 9 tháng đầu năm 2022, lượng tro, xỉ hình thành là 297.509 tấn, xử lý tiêu thụ là 341.904 tấn, khối lượng đưa ra bãi xỉ là 44.394 tấn. Hiện khối lượng còn tồn kho qua các năm tại Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 là 1.040.243 tấn.

1-1667186199.png
Quang cảnh Hội thảo do Cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp tổ chức

Trung tâm điện lực (TTĐL) Vĩnh Tân, gồm 4 nhà máy, với tổng công suất 6.264MW, phát sinh trung bình khoảng gần 3 triệu tấn mỗi năm. Hiện TTĐL Vĩnh Tân cách xa các cơ sở sản xuất và các hộ tiêu thụ lớn lớn ở phía Nam, như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... nên gặp khó khăn trong khâu vận chuyển do chi phí cao. Có một số đơn vị vận chuyển tro, xỉ bằng đường biển qua cảng quốc tế Vĩnh Tân nhưng phát sinh thêm chi phí trung chuyển, neo đậu. Hơn nữa thói quen sử dụng vật liệu xây dụng làm từ tro, xỉ than chưa được người dân địa phuương các tỉnh khu vực phía Nam đón nhận. Các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư công nghệ xử lý và tái sử dụng tro xỉ do chi phí lớn và hiệu quả kinh tế không cao; chủ đầu tư các dự án chưa mạnh dạn trong việc sử dụng vật liệu tro, xỉ san lấp mặt bằng công trình. Bên cạnh đó còn thiếu cơ chế hỗ trợ cụ thể cho hoạt động tái chế tro, xỉ dẫn tới giá thành sản phẩm tái chế không cạnh tranh  được với vật liệu truyền thống, chưa có chính sách ưu tiên dụng vật liệu tro, xỉ thay thế vật liệu xây dựng truyền thống trong các dự án, công trình xây dựng, giao thông, thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn, chỉ dẫn kỹ thuật liên quan sử dụng tro, xỉ làm vật liệu đắp nền trong thi công đường cao tốc nên các chủ đầu tư dự án chưa thể sử dụng.

2-1667186259.png
Đại diện doanh nghiệp kiến nghị các giải pháp tại hội thảo

Tại hội thảo, ông  Nguyễn Anh Vũ- Công ty cổ phần Hoàng Sơn Fly Ash And Cement cho biết: Công ty thành lập năm 2003, là thành viên liên doanh của mạng lưới  EP Power Minerals Gmbh (Đức) từ năm 2019, hiện sở hữu, quản lý đội tàu chuyên dùng  gồm 19 chiếc có tải trọng  từ 560- 1.800 tấn và đội xe bồn 45 xe, sở hữu nhà tuyển tro bay công suất 900.000 tấn/năm, công nghệ  của Đức, nhà máy gạch không nung công suất 77 triệu viên/năm, công nghê Tây Ban Nha. Sản lượng tiêu thụ tro bay năm 2022 dự kiến đạt 1 triệu tấn từ các cụm nhiệt đện Duyên Hải, Vĩnh Tân, Sông Hậu, bao gồm cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Đại diên nhà máy cho rằng thị trường VLXD có tiềm năng phát triển, vì tỷ lệ sử dụng tro xỉ tăng lên trong sản xuất xi măng, bê tông và vật liệu không nung theo Quyết định số 1266/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh doanh nghiệp cải tiến công nghệ nhắm tối ưu hóa chi phí. Nhu cầu xuất khẩu tăng lên do các nước trong khu vực giảm dần hoạt động của các nhà máy nhiệt điện. Bên cạnh đó cũng đặt ra những thách thức, đó là: Chi phí vận chuyển nội địa và quốc tế (cảng, vận tải...) cao làm giảm tính cạnh tranh, phải đảm bảo  chất lượng tro, xỉ ổn định theo các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và quốc tế (ASTM), có hệ thống kho bãi  để lưu chứa tro, xỉ trong giai đoạn nhà máy nhiệt điện chạy thấp tải , đảm bảo nguồn cung ồn định cho các đơn vị sử dụng...

3-1667186246.png
Đại diện Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân phát biểu

Đề xuất, kiến nghị

Với khối lượng tro, xỉ tại TTĐL Vĩnh Tân khoảng  3 triệu tấn/năm và lượng tro xỉ tại các TTĐL khác, nếu chỉ sử dụng tro xỉ làm phụ gia xi măng sẽ vượt quá khả năng tiêu thụ hết. Vì vậy, đại diện các doanh nghiệp, đơn vị đã đưa ra số giải pháp như sau:

- Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh xem xét, đề xuất sử dụng tro xỉ thay thế vật liệu xây dựng truyền thống: làm tấm vật liệu áp tường, tấm trần thay thế tấm trần thạch cao... cũng như sử dụng tro, xỉ trong san lập công trình, làm nền đường giao thông... có như thế mới giải quyết được căn cơ bài toán tiêu thụ tro xỉ phát sinh tại các TTĐL.

- Bộ Xây dựng cần ban hành định mức, tiêu chuẩn kỹ thật thi công và nghiệm thu sử dụng tro, xỉ đắp nền đường ô tô, Bộ TNMT sớm hoàn thiện tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng tro, xi, hoàn nguyên mỏ.

- Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để ngưới dân hiều tro, xỉ nhiệt điện than là một nguồn tài nguyên của ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Hy vọng, với các giải pháp đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế và triển khai kịp thời, quyết liệt từ các cấp, các ngành, các doanh nghiệp...sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất, sẽ tạo ra bước chuyển biến tích cực, để tro xỉ không còn là nỗi lo thường trực kéo dài trong nhiều năm qua.

Minh Yến