Theo số liệu của Tổng cục Thuế, hiện có 94 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử. Danh sách các nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế gồm Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfix, Apple...
Như vậy, lũy kế từ tháng 3/2022, thời điểm cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài vận hành, và số thuế nộp thêm trong 4 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp, nhà cung cấp nước ngoài đã nộp 14.572 tỷ đồng.
Dữ liệu công bố cuối tuần trước của Tổng cục Thuế cho biết, hiện ngành thuế đang có dữ liệu ngân hàng của 121 triệu tài khoản cá nhân và trên 9 triệu tài khoản tổ chức tại 96 ngân hàng thương mại.
Năm 2023, doanh thu quản lý thuế kênh thương mại điện tử là hơn 146 tỷ USD, với số thuế nộp 97.000 tỷ đồng, tăng 14% so với 2022.
So với tổng số tài khoản thanh toán cá nhân tới cuối 2023 là 183 triệu tài khoản, lượng dữ liệu cá nhân ngành thuế nắm giữ chiếm khoảng hai phần ba. Từ dữ liệu này cơ quan thuế sẽ lọc ra danh sách những người kinh doanh online nhưng chưa kê khai và nộp thuế lên làm việc.
Thời gian qua, nhiều người bán hàng online đã bị truy thu số tiền khá lớn, từ vài chục cho tới hàng trăm triệu đồng.
Nhà chức trách cho biết thời gian qua nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp trong ngắn và dài hạn để tăng quản lý thuế với thương mại điện tử trong nước, xuyên biên giới. Cùng đó, cơ quan này tiếp tục rà soát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm với cá nhân, tổ chức không chấp hàng kê khai hoạt động thương mại điện tử.
Giải pháp nữa là cơ quan thuế sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành kết nối, chia sẻ dữ liệu để tránh thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Ngoài ra, tới đây cơ quan thuế phối hợp với Bộ Công an để đẩy nhanh chuyển đổi sử dụng CCCD làm mã số thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Cơ quan này cũng tính tới áp dụng định danh điện tử với tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch kê khai nộp thuế. Việc này nhằm ngăn chặn hành vi trốn thuế trong thương mại điện tử.