Theo đó, Chính phủ cho rằng để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, cân nhắc tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023.
Đồng thời, cần nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2024.
Trong đó, tiếp tục xem xét giảm thuế VAT 2%, gia hạn một số loại thuế, giảm mức thu các khoản phí, lệ phí và giảm tiền thuê đất như đã áp dụng trong năm ngoái là cần thiết, để tiếp tục gỡ khó, hỗ trợ doanh nghiệp.
Vì vậy, trên cơ sở đánh giá các kết quả đạt được khi giảm thuế VAT 2% theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế VAT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024, thực hiện từ ngày 1/7 đến hết 31/12 của năm nay.
Đánh giá về việc tiếp tục giảm thuế trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cho rằng việc áp dụng giảm 2% thuế VAT làm giảm thu 24.000 tỉ đồng (tương đương 4.000 tỉ đồng/tháng).
Theo báo cáo của Chính phủ, 6 tháng đầu năm, việc giảm thuế này khiến thu ngân sách hụt 23.488 tỷ đồng. Như vậy, tổng nguồn thu giảm trong cả năm dự kiến 47.488 tỷ đồng.
Theo Chính phủ, giai đoạn năm 2020 - 2023, các giải pháp tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã được ban hành với tổng giá trị các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, lên tới 700.000 tỉ đồng. Trong đó, với các giải pháp đã được ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 là 68.000 tỉ đồng.
Việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và chính sách tài chính thời gian qua đã tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu, đời sống người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.