Trong 9 tháng năm 2020, mặc dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật là tỉnh này đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 trên địa bàn, được xếp vào nhóm các tỉnh có nguy cơ thấp.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng tăng khá so với cùng kỳ, như: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,1%; thu ngân sách Nhà nước tăng 4,3%; huy động vốn đầu tư phát triển tăng 11,3%; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công cao hơn so với cùng kỳ, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ giải ngân cao của cả nước.
Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô cấp tỉnh năm 2020 với số dự án và số vốn thu hút đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Đã tập trung chỉ đạo đổi mới quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính, chuyển từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Cùng với những kết quả đã đạt được, các nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm cũng được các cấp các ngành chú trọng triển khai cụ thể như: Khẩn trương rà soát, xác định các nhiệm vụ còn lại của 3 tháng cuối năm 2020 của từng ngành, từng địa phương, đơn vị; đồng thời làm rõ nguyên nhân đối với những chỉ tiêu còn khó khăn, thách thức, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao để tập trung lãnh, chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công trước ngày 30 /11 /2020. Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp điều hành tài chính, ngân sách địa phương những tháng cuối năm.
Về định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh Thanh Hóa, sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư, phát triển, tạo đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng.
Phát triển mạnh 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ, khuyến khích xã hội hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị, trong 3 tháng cuối năm, các sở, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Đối với công nghiệp xây dựng, tập trung giải quyết vướng mắc của các dự án, nhất là các dự án sử dụng nhiều lao động nông thôn, như: May mặc, giày da. Quan tâm, hỗ trợ hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch bằng các giải pháp cụ thể. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; tạo điều kiện xử lý các thủ tục về chủ trương đầu tư. Đây là điều kiện quan trọng nhất để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tập trung triển khai các giải pháp tăng thu, lưu ý thu tồn đọng thuế.
Giao Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu qua cảng; tăng cường kiểm soát giá dịch vụ của một số doanh nghiệp.
Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch quy hoạch sử dụng đất. Đối với các dự án khoáng sản chưa được đưa vào quy hoạch, phải có giải pháp cụ thể đối với từng dự án.
Theo Hoài Thu
"https://thuonghieucongluan.com.vn/thanh-hoa-thao-go-kho-khan-tao-dieu-kien-de-doanh-nghiep-khoi-phuc-va-phat-trien-hoat-dong-a114863.html"