Thanh Hóa: Phát triển thương hiệu lúa nếp hạt cau Lộc Thịnh

15/12/2020 15:39

Để phát huy hết tiềm năng của giống lúa lúa nếp hạt cau có năng suất chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đã khuyến khích người dân tích tụ, tập trung đất đai, quy hoạch thành vùng sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Nếp hạt cau là giống lúa bản địa quý được trồng rải rác ở một số huyện trong tỉnh Thanh Hóa
Nếp hạt cau là giống lúa bản địa quý được trồng rải rác ở một số huyện trong tỉnh Thanh Hóa

 

Theo đó, Nếp hạt cau là giống lúa bản địa quý được trồng rải rác ở một số huyện trong tỉnh Thanh Hóa, khi chín vỏ hạt màu cau khô, hạt gạo tròn, trắng đục, năng suất thấp nhất đạt trên 38 tạ/ha, giá trị thu nhập cao gấp 2-3 lần lúa thường. Nhờ chất lượng gạo thơm, dẻo, đậm đà, lúa nếp hạt cau được nhiều người ưa chuộng, từ nguồn lúa nếp hạt cau có thế chế biến ra rượu nếp cái hạt cau, sản phẩm gạo, bánh từ nếp hạt cau...

Đây là giống lúa có nhiều tính ưu việt so với một số giống lúa đang được gieo cấy tại địa phương, như: Chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ít hơn, năng suất, chất lượng cao và góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đến nay, diện tích sản xuất lúa nếp hạt cau đã tăng lên hơn 165 ha với hơn 300 hộ tham gia sản xuất, năng suất trung bình đạt 50 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với các giống lúa nếp khác.

Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích gieo cấy lúa nếp hạt cau còn khó khăn do nguồn giống đã có sự thoái hóa trong nhiều năm trước, khiến cho nguồn gen này đang dần bị mất đi. Từ thực tế đó, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kĩ thuật giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hóa đã thực hiện nghiên cứu, sản xuất lúa qua từng mùa.

Từ năm 2017, sau khi giống lúa này được phục tráng thành công, xã đã khuyến khích, hỗ trợ người dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ, tập trung đất đai, đưa vào sản xuất tập trung với diện tích hơn 30 ha. HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thịnh đã lựa chọn những hộ còn lưu giữ được giống không bị lai tạp rồi mới tiến hành gieo cấy. Tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân, hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để làm ra những hạt gạo sạch, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

sau khi giống lúa này được phục tráng thành công
Hiện nay giống lúa Nếp hạt cau đã được phục tráng thành công

 

Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân các khâu dịch vụ, như: Cung ứng vật tư nông nghiệp, dự báo sâu bệnh, làm đất; đồng thời, đóng vai trò là trung gian liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân và doanh nghiệp.

Đại diện lãnh đạo UBND xã Vĩnh Thịnh cho biết: Việc phát triển vùng sản xuất chuyên canh lúa nếp hạt cau đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm đã xây dựng được sản phẩm thế mạnh đặc trưng của địa phương; góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp; từng bước đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Để tạo điều kiện cho người dân sản xuất và gìn giữ được giá trị của giống lúa nếp hạt cau, xã đã vận động người dân mở rộng diện tích sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, bao bì bắt mắt... Đồng thời, địa phương cũng thực hiện các chương trình quảng bá, phát triển thương mại cho sản phẩm mang tên gạo nếp Lộc Thịnh.

Năm 2020, sản phẩm gạo nếp Lộc Thịnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt sản phẩm đạt chất lượng OCOP 4 sao. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích người dân tích tụ, tập trung đất đai, mở rộng diện tích sản xuất lúa nếp hạt cau thêm 40 ha.

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua sản xuất, chế biến và đóng gói sản phẩm. Mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hình thức quảng bá sản phẩm, tham gia các hội chợ, triển lãm...

Theo Hoài Thu

"https://thuonghieucongluan.com.vn/thanh-hoa-phat-trien-thuong-hieu-lua-nep-hat-cau-loc-thinh-a121796.html"