Kế hoạch nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại Thông báo số 1088-TB/TU ngày 20/3/2023 của Thành ủy: Hoàn thành 70% công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 6/2023 và khởi công trong tháng 6/2023.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã vượt chỉ tiêu tiến độ yêu cầu (dự kiến hết tháng 6/2023 đạt trên 80%); Công tác thiết kế kỹ thuật - dự toán dự án thành phần 2.1, công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng các gói thầu thuộc Dự án thành phần 2.1 đã hoàn thành, đủ điều kiện khởi công Dự án đầu tư.
Dự kiến Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn thành phố sẽ bắt đầu vào 6h30, ngày 25/6/2023 (Chủ nhật). Hà Nội sẽ tổ chức Lễ khởi công đồng loạt tại 4 vị trí.
Trong đó vị trí 1 là điểm cầu chính tại giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường gom Đại lộ Thăng Long (tại lý trình Km28+900 đường Vành đai 4, tương ứng với Km 12+600 đường gom Đại lộ Thăng Long), thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Vị trí số 2 tại giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 (Km 1+445 lý trình đường Vành đai 4) với Quốc lộ 2, thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn.
Vị trí khởi công số 3 tại giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 (Km45+700 lý trình đường Vành đai 4) với trục phía Nam tỉnh Hà Tây, thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai.
Vị trí số 4 tại giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với QL1A cũ (lý trình Km52+600 đường Vành đai 4, tương ứng với Km 190+270 Quốc lộ 1A), thuộc địa phận xã Văn Bình, huyện Thường Tín.
Việc tổ chức khởi công dự án sẽ thực hiện theo phương thức kết nối trực tuyến giữa 4 điểm tổ chức khởi công của Hà Nội và các điểm tổ chức của tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh (Lễ Động thổ nếu chưa đủ điều kiện khởi công).
UBND thành phố giao Sở Giao thông Vận tải tổ chức bàn giao mặt bằng đối với phạm vi do Sở Giao thông vận tải quản lý; Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông và các đơn vị liên quan thống nhất phương án tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông cho buổi lễ; có phương án hướng dẫn phương tiện đi qua khu vực lễ khởi công, đảm bảo an toàn trong quá trình diễn ra buổi lễ và sau khi kết thúc buổi lễ...
Sở Xây dựng phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố để bàn giao ngay mặt bằng đối với phạm vi do Sở Xây dựng quản lý (chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ,...) để phục vụ lễ khởi công và triển khai thi công ngay sau khi khởi công...
Công an thành phố phối hợp với Sở Giao thông vận tải (lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải), UBND các huyện Sóc Sơn, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín xây dựng phương án, bố trí lực lượng tổ chức phân luồng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau thời gian tổ chức buổi lễ; đảm bảo an ninh trật tự tại buổi lễ khởi công.
Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, có tổng chiều dài khoảng 112,8km, đoạn qua địa phận Hà Nội dài 58,2km, còn lại là 9,7km tuyến nối với cao tốc Hà Nội - Hạ Long và đoạn đi qua các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 85.813 tỷ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức sử dụng vốn đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần.
Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028. Cụ thể, Hà Nội đặt mục tiêu khởi công đường Vành đai 4 trong tháng 6/2023. Dự kiến đến năm 2026 dự án cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Dự án sẽ đi qua địa phận ba tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai.