Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, sự bùng nổ nhập khẩu đường lỏng siro ngô (HFCS) với mức nhập khẩu vào Việt Nam năm 2023 và 2024 đã “ăn” mất thị phần của đường phục vụ trong ngành giải khát.
Theo đó, năm ngoái, lượng đường lỏng siro ngô nhập khẩu đạt 231.000 tấn - mức cao nhất trong 4 năm gần đây. Khối lượng đường HFCS này tương đương 300.000 tấn đường mía bởi độ ngọt cao hơn 1,3 - 1,6 lần.
Năm nay xu hướng nhập khẩu HFCS vẫn gia tăng. 7 tháng đầu năm, khối lượng nhập khẩu đạt hơn 143.500 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia, đường buôn lậu tiếp tục tạo sức ép cho ngành đường trong nước. Nhiều hành vi gian lận thương mại, nhập lậu đường đã được các cơ quan chức năng phát hiện tại hầu như tất cả tỉnh thành trên cả nước. Các kẽ hở pháp luật trong việc đấu giá đường bị tịch thu và sự buông lỏng kiểm soát ghi nhãn hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ đang bị các đối tương kinh doanh phi pháp lợi dụng.
Trước tình hình trên, ngày 3/8/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1989⁄QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.
Quyết định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, trong thời hạn 60 ngày trước khi kết thúc 1 năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức hoặc quyết định mới nhất về kết quả rà soát biện pháp chống bán phá giá, các bên liên quan có thể nộp Hồ sơ yêu cầu rà soát.
Sau khi Quyết định được ban hành, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã nhận được hồ sơ rà soát của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước yêu cầu rà soát biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía.
Trên cơ sở xem xét hồ sơ do bên liên quan nộp theo đúng quy định của pháp luật, ngày 6/9/2024, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2386/QĐ-BCT về rà soát việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía (mã vụ việc: AR01.AC02.AD13-AS01).
Để đảm bảo lợi ích cho tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc, các tổ chức, cá nhân đăng ký bên liên quan theo mẫu Đơn đăng ký bên liên quan gửi tới Cơ quan điều tra thông qua Hệ thống tiếp nhận hồ sơ phòng vệ thương mại trực tuyến (TRAV ONLINE– https://online.trav.gov.vn) trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày có hiệu lực của quyết định tiến hành rà soát.
Theo các chuyên gia, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía được xem là "liều thuốc" cứu nguy cho ngành mía đường trong nước vốn đã chịu sức ép từ đường nhập khẩu giá rẻ và diện tích mía bị thu hẹp.