Nông Cống (Thanh Hóa): Giải phóng mặt bằng cần đảm bảo quyền lợi cho người dân

11/01/2021 21:59

Với mức đầu tư lên đến 600 tỷ đồng, dự án tiêu úng vùng 3 huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa được kỳ vọng giúp người dân có một công trình thủy lợi sẽ thoát khỏi cảnh ngập lụt hàng năm. Đầu tư xây dựng là thế, nhưng đến nay dự án vẫn “ì ạch” thi công do quá trình đền bù giải phóng mặt bằng chưa được sự đồng thuận của người dân.

Dự án tiêu úng vùng III huyện Nông Cống được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 4430/QĐ-BNN-XD ngày 30/10/2017, với 3 chủ đầu tư thành phần, gồm: BQL đầu tư và xây dựng Thủy lợi 3 (thuộc Cục quản lý xây dựng công trình); BQL dự án đầu tư xây dựng NN&PTNT Thanh Hóa và UBND huyện Nông Cống (chủ đầu tư GPMB). Dự án có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, trong kế hoạch trung hạn 2017 - 2020. Đây là dự án thủy lợi quan trọng, góp phần tiêu nước lũ cho diện tích 6.183 ha của các xã thuộc vùng III huyện Nông Cống, như Công Liêm, Thăng Thọ, Thăng Bình, Vạn Thiện...

Thực tế, theo ghi nhận của phóng viên, đến nay dự án vẫn đang trong quá trình thi công. Thậm chí có những xã chưa giải quyết xong vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng như tại xã Vạn Thiện. 

Mới đây, Tòa soạn Thương hiệu & Pháp luật nhận được hàng loạt phản ánh của người dân tại xã Vạn Thiện về việc đền bù còn chưa tương xứng với công sức của người dân bỏ ra. Thông tin gửi đến báo chí, bà Lê Thị Thêm (SN 1952, trú tại xã Vạn Thiện) cho biết: Gia đình bà có một mảnh đất có diện tích 1.368m2 được nhà nước cấp cho người có công với đất nước. Sau mảnh đất này vào vùng quy hoạch dự án. Đến nay số tiền mà gia đình bà được thông báo nhận đền bù là 73.000.000 đồng. Gia đình bà thấy số tiền đền bù chưa thỏa đáng với công sức ba đời mà gia đình bà bỏ ra để cải tạo diện tích đất này nên đã nhiều lần kiến nghị với ban giải phóng mặt bằng. Điều đáng nói ở đây, sau mỗi lần gia đình bà Thêm gửi đơn kiến nghị thì chính quyền kiểm tra và thông báo cho bà số tiền đền bù mỗi lần một khác với số tiền đền bù ngày một tăng. Hiện nay đã đến con số 73.000.000 đồng nhưng gia đình bà vẫn không đồng ý và cho rằng phần đền bù đất vẫn thấp và phần tài sản trên đất vẫn quá thấp.

Gia đình bà Thêm vẫn tiếp tục kiến nghị về giá đền bù sau 2 lần được tăng 
Ảnh: Mạnh Nghiệp

 

Không chỉ gia đình bà Thêm mà hàng loạt các hộ dân khác như ông Phạm Văn Linh, ông Nguyễn Văn Cường, ông Lưu Văn Loan, bà Lê Thị Út,… Tất cả các hộ dân đều không đồng thuận với số tiền đền bù giải phóng mặt bằng và cách giải quyết của ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nông Cống: Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Cường (thôn Làng Trù, xã Vạn Thiện) phản ánh: Gia đình ông đang sử dụng một diện tích đất ven sông nằm trong dự án tiêu úng vùng 3. Diện tích đất này do 2 đời gia đình ông Cường khai hoang phục hóa theo chủ trương khai hoang phục hóa của huyện Nông Cống. Không chỉ gia đình ông mà nhiều hộ gia đình khác cũng tự khai hoang ra vùng ven sông. Nhưng khi ban đền bù giải phóng mặt bằng của huyện lại không đền bù cho gia đình ông khi thực hiện thu hồi đất.

Nhiều hộ dân vẫn chưa đồng ý với phương án đền bù - Ảnh: Mạnh Nghiệp

 

Có những hộ đã đồng thuận nhận tiền đền bù nhưng lại lâm vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười”: đơn cử như gia đình ông Ngô Thanh Hà cho hay: Gia đình tôi có tổng 420m2 với 3 sổ hộ khẩu của 3 hộ gia đình sinh sống tại thửa đất trên. UBND xã và ban giải phóng mặt bằng hứa sẽ cấp đất ở một vị trí khác nếu nhận số tiền đền bù là 61.000.000 đồng. Nhưng đến nay cho dù đã nhận tiền đền bù nhưng gia đình vẫn chưa nhận được đất ở nên 3 hộ gia đình phải “ăn nhờ ở đậu” khắp nơi. Không những vậy, phần diện tích đất nông nghiệp canh tác cũng được lấy vào vùng quy hoạch dự án nên hiện tại gia đình tôi không có đất để canh tác cho nên cả gia đình lâm vào tình trạng thất nghiệp. Số tiền nhận được đền bù ngày một cạn kiệt.

Trao đổi với ông Hoàng Văn Khiêu – Chủ tịch UBND xã Vạn Thiện, ông Khiêu cho biết: Bản thân UBND xã không nằm trong thành viên ban bồi thường giải phóng mặt bằng nên về giá trị đền bù xã không quyết được. Lý giải khi được hỏi nhiệm vụ của xã trong việc thẩm định nguồn gốc đất cho người dân thì ông Kiệu cho biết: ông mới được điều chuyển từ nơi khác đến nên việc thẩm định nguồn gốc đất cho các hộ ông chưa nắm được. Việc này phải xem xét ở hồ sơ. Còn trường hợp gia đình bà Thêm sau mỗi lần kiến nghị thì lại được tăng giá trị đền bù, ông Khiêu chia sẻ: Việc thẩm định nguồn gốc đất của bà Thêm thì đúng là có sai sót. Vì hồ sơ nhà bà Thêm không lưu ở xã nên lúc đầu không xác định được nguồn gốc đất nên không duyệt đền bù về đất. Sau khi có ý kiến của công dân thì xã đã tiến hành triệu tập các cụ già làng, trưởng thôn các đời để lấy ý kiến về nguồn gốc đất nhà bà Thêm trên cơ sở mọi người được xác nhận nhà bà Thêm đã ở đây từ lâu nên ban bồi thường giải phóng mặt bằng đã duyệt đền bù về đất cho nhà bà Thêm. Sau khi ban bồi thường giải phóng mặt bằng ra giá đền bù tiếp thì phía xã lại nhận được kiến nghị của công dân. Xã xác minh thì quả đúng là phía ban bồi thường giải phóng mặt bằng đã đo thiếu về diện tích đất, cho nên giá trị bồi thường của hộ bà Thêm lại phải bổ sung và được tăng lên. Ông Khiêu cũng cho biết thêm: Đúng là hiện nay ở xã Vạn Thiện còn nhiều hộ chưa nhận đền bù vì người dân còn thắc mắc về đền bù đất và tài sản trên đất. Cái này thẩm quyền giải quyết thuộc ban bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện chứ không thuộc thẩm quyền của xã.

Theo Mạnh Nghiệp

"https://thuonghieuvaphapluat.vn/nong-cong-thanh-hoa-giai-phong-mat-bang-can-dam-bao-quyen-loi-cho-nguoi-dan-d39213.html"