Những mục tiêu đầy tham vọng của “ông lớn” bất động sản, liệu còn cánh cửa nào mở ra?

16/02/2022 09:32

Bất chấp “bóng ma” Covid, nhiều ông lớn ngành BĐS như Novaland, DRH Holdings, Nam Long, An Gia, Hưng Thịnh…. vẫn đặt mục tiêu đầy tham vọng trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Cơ sở nào để những doanh nghiệp này đua sức bền với thị trường BĐS vốn nhiều biến động?

Những mục tiêu đầy tham vọng của “ông lớn” bất động sản, liệu còn cánh cửa nào mở ra?

Tự tin tăng lợi nhuận, mở rộng quỹ đất…

Năm 2022, CTCP DRH Holdings (DRH) đặt kế hoạch lợi nhuận 212 tỷ đồng, gấp hơn 13,5 lần con số thực hiện năm 2021 - cũng là con số cao kỷ lục từ khi thành lập công ty đến nay. Chưa kể, doanh nghiệp này còn đề ra tham vọng tăng trưởng trên 40%/năm cho 3 năm tới, cán mốc lợi nhuận trên 500 tỷ đồng năm 2025. Con số đầy tham vọng này được đặt ra trong bối cảnh thị trường BĐS còn nhiều biến động, cùng với Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, đặc biệt khi mà báo cáo tài chính của doanh nghiệp này chỉ ra, lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần đạt 48 tỷ đồng, giảm 38% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 14 tỷ đồng, giảm 32%.

Tuy vậy, kế hoạch của đơn vị này đặt ra không phải thiếu cơ sở. Đại diện DRH Holdings cho biết, theo chiến lược giai đoạn 5 năm 2021 - 2025, DRH có 3 mảng kinh doanh cốt lõi gồm phát triển và kinh doanh bất động sản; sản xuất và cung cấp vật liệu xây dựng; phát triển khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng. Đây chính là "kiềng 3 chân" giúp doanh nghiệp này đẩy mạnh doanh thu, đạt mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân 40%/năm; "lấy lại những gì đã mất" của năm 2021.

Trong đó, riêng mảng BĐS, DRH chú trọng phát triển các dự án dân cư với nhiều phân khúc đa dạng trên lợi thế quỹ hiện có tại địa bàn Tp.HCM và Bình Dương. Từ năm 2023 trở đi, doanh nghiệp này dự kiến đưa ra thị trường 300-500 sản phẩm căn hộ chung cư và nhà phố, đất nền, chủ yếu ở thị trường Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Doanh thu hợp nhất cho các dự án hiện hữu giai đoạn 2022-2023 khoảng 2.000 tỉ đồng đến từ việc hoàn thiện và bàn giao dự án như Aurora, Symbio Garden…Chưa kể, từ nay đến năm 2025, DRH Holdings đẩy mạnh mảng BĐS kh công nghiệp, kì vọng sẽ tạo lợi nhuận đột phá.

"Ngoài BĐS, mảng khai thác khoáng sản và cung cấp vật liệu xây dựng sẽ được đẩy mạnh trong năm 2022. Doanh nghiệp đang chuẩn bị phát hành hơn 63 triệu cổ phiếu với mục tiêu huy động 754 tỷ đồng phục vụ cho việc mở rộng đầu tư. Trong đó, Công ty dự kiến dành 200 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương lên 32,7%, với kỳ vọng mảng kinh doanh này đóng góp 50% lợi nhuận hợp nhất hàng năm", đại diện DRH Holdings cho hay.

Những mục tiêu đầy tham vọng của “ông lớn” bất động sản, liệu còn cánh cửa nào mở ra? - Ảnh 1.

Những tham vọng tương tự cũng được đại diện An Gia (AGG) tiết lộ trong cuộc họp mới đây. Sở hữu loạt quỹ đất M&A, doanh nghiệp này kỳ vọng doanh thu giai đoạn 2022 - 2024 tăng gấp đôi, đạt 32.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, đơn vị này đặt mục tiêu M&A thành công 5 dự án mỗi năm – con số không hề nhỏ trong bối cảnh thị trường BĐS nhiều biến động.

Hiện, doanh nghiệp này đang sở hữu các dự án với diện tích sàn kinh doanh gần 912.000 m2. Trong giai đoạn 2022 - 2024, công ty dự kiến đưa ra thị trường khoảng 11.400 sản phẩm với doanh thu gấp đôi năm ngoái.

Dĩ nhiên, để tự tin đưa ra mức doanh thu tham vọng, thì đơn vị này cũng có những chiến lược bài bản trong bước đi của mình. Liên tục mở rộng quỹ đất bằng hoạt động M&A là bước đi xuyên suốt, tạo nguồn thu từ dự án. Mới đây, Tập đoàn này hoàn tất M&A một dự án cao tầng, diện tích 3 ha tại Bình Chánh (Tp.HCM) và sẽ tiếp tục thực hiện các thương vụ khác để có thêm 2 - 3 dự án, sẵn sàng bổ sung quỹ đất cho các năm tiếp theo.

Ngoài ra, doanh nghiệp này tham vọng tiếp tục đẩy mạnh triển khai một loạt các dự án ở Tp.HCM và các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An… với trọng tâm là các sản phẩm nhà ở (căn hộ, khu phức hợp) trong phân khúc trung khá, phục vụ nhu cầu nhà ở thực. Như vậy, việc đặt tham vọng lớn trong chiến lược phát triển các dự án nhà ở, khu đô thị tại địa phương trong giai đoạn từ 2022-2025 chính là tiền đề để An Gia tự tin đặt doanh thu gấp đôi năm ngoái.

Cũng "không phải dạng vừa", ông lớn BĐS Nam Long Group sở hữu loạt quỹ đất trải dài từ khu Nam sang Tây, đến khu Đông Tp.HCM đã tự tin rằng, năm 2030 trở thành công ty BĐS tích hợp hàng đầu và sáng tạo tại Việt Nam, khu vực, đạt doanh thu tỉ USD mỗi năm.

Chiến lược này được vạch ra dưới tiền đề hoạt động kinh doanh bền vững với loạt quỹ đất nắm lòng. Không thể phủ nhận, các dự án của Nam Long Group đều được phát triển theo mô hình chung khu đô thị tích hợp "modern township" của quốc tế, dựa trên 4 nền tảng: Hạ tầng kết nối đồng bộ; Quy hoạch khu đô thị phức hợp kết hợp với các chương trình tạo điểm đến; Ứng dụng công nghệ tiên tiến; và quản lý vận hành đô thị thông minh gây được tiếng vang trên thị trường BĐS thời gian qua.

Một ông lớn dày dặn kinh nghiệm trong ngành "kinh qua" nhiều sản phẩm, với đa dạng từ phân khúc chung cư vừa túi tiền EHome, Flora; nhà phố, biệt thự dễ sở hữu Valora đến các sản phẩm biệt thự cao cấp Grand Villa tại các vị trí đắc địa nhất trong khu đô thị, việc đặt ra doanh thu tỉ đô hàng năm cũng không phải đáng ngại với doanh nghiệp này.

Những mục tiêu đầy tham vọng của “ông lớn” bất động sản, liệu còn cánh cửa nào mở ra? - Ảnh 2.

Hiện đơn vị này đang sở hữu quỹ đất sạch 681ha tại những vị trí tốt, sẵn sàng phát triển cũng như đảm bảo cho kế hoạch phát triển 10 năm tới. Việc hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm về BĐS quốc tế như: Hankyu Hanshin, Nishitetsu Group, tập đoàn Gamuda, Indochina Capital… càng khẳng định thêm cho sự tự tin, bền vững của DN này là có cơ sở.

Chia sẻ về nền tảng để tự tin đột phá doanh thu, đại diện Nam Long Group cho biết, giai đoạn 2021-2023, doanh nghiệp tập trung củng cố mảng cốt lõi và gia tăng lợi nhuận, vừa phát triển các dòng nhà ở vừa túi tiền, vừa trở thành chủ đầu tư các khu đô thị tích hợp. Giai đoạn 2024-2026, Công ty sẽ phát triển bứt phá nhờ những dự án đô thị tích hợp có quy mô lớn. Và trong giai đoạn 2027-2030, Công ty sẽ trở thành một tập đoàn bất động sản hùng mạnh, sở hữu 3 nền tảng tăng trưởng vững mạnh, bao gồm công ty bất động sản tích hợp, chủ đầu tư khu đô thị tích hợp và chủ đầu tư bất động sản nhà ở vừa túi tiền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ đa dạng hóa nguồn thu với nhiều loại hình kinh doanh mới có tiềm năng trưởng mạnh trong 10 năm tới như phát triển và vận hành BĐS văn phòng, khu công nghiệp, bất động sản bán lẻ, y tế, giáo dục, hợp tác đầu tư mạo hiểm.

Cánh cửa tương lai có hẹp?

Như vậy, để thấy những tham vọng của các ông lớn BĐS hoàn toàn có cơ sở trên nền tảng kinh doanh và mở rộng thị phần của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến quan ngại, với bối cảnh thị trường nhiều biến động, Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, những kế hoạch mục tiêu liệu có trở thành nặng gánh và tạo nên sức mạnh ảo với mỗi doanh nghiệp?

Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc nhìn khách quan, những tham vọng của doanh nghiệp BĐS là có cơ sở khi đặt trong bối cảnh thị trường BĐS năm 2022 và các năm tiếp theo được đánh giá phục hồi mạnh mẽ. Đặc biệt, năm 2022 sẽ là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tập trung phục hồi nhanh nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chiến lược 10 năm 2021-2030. Như vậy, động lực để năm 204-2025 thị trường BĐS khởi sắc là hoàn toàn có lý do chính đáng trong bối cảnh kinh tế đi lên.

Cùng với đó, theo phân tích của các chuyên gia, cổ phiếu BĐS là lĩnh vực được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của nền kinh tế. Mặc dù cũng quan tâm các cổ phiếu và các ngành được hưởng lợi từ dòng vốn FDI, phát triển cơ sở hạ tầng hay năng lượng sạch, nhưng trong các lĩnh vực sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế trong năm 2022, chuyên gia đặc biệt đánh giá cao triển vọng cổ phiếu ngành ngân hàng, bất động sản và hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Chưa kể, đà tăng trưởng của thị trường BĐS còn đến từ sự nhu cầu nhà ở tăng cao, cộng thêm với "thiên thời" từ mặt bằng lãi suất thấp, thúc đẩy giải ngân đầu tư công đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng. Đối với BĐS công nghiệp, nhu cầu mở nhà xưởng, xây dựng cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp FDI gia tăng khiến nhu cầu cũng như giá cho thuê bất động sản khu công nghiệp tăng lên. Cho nên, việc các doanh nghiệp tham gia và tận dụng cơ hội này để "bứt phá" doanh thu trong các năm tới cũng hoàn toàn dễ hiểu.

Những mục tiêu đầy tham vọng của “ông lớn” bất động sản, liệu còn cánh cửa nào mở ra? - Ảnh 3.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong 2 năm qua vẫn khá tích cực. Tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục được duy trì rất tốt. Đối với thị trường bất động sản rõ ràng dù kinh tế khó khăn nhưng hệ thống tài chính vẫn duy trì ổn định và lãi suất thấp nên không bị ảnh hưởng tiêu cực.

"Tôi nghĩ rằng trong năm 2022-2023, dù việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới và Việt Nam vẫn chấm dứt hoàn toàn và tăng trưởng kinh tế còn khó khăn nhưng nguồn tiền trong nền kinh tế vẫn dồi dào. Do vậy, hoạt động đầu tư vào chứng khoán và bất động sản vẫn có chiều hướng của sóng đi lên", TS Khương nhấn mạnh.

Như vậy, cánh cửa cho tương lai của thị trường BĐS là đầy hi vọng. Tuy vậy, mỗi doanh nghiệp cần có lộ trình để đạt được mục tiêu phát triển cũng như sự tăng trưởng bền vững đi song hành với các biến số của thị trường địa ốc.

Hạ Vy