Nguy kịch vì sợ tiêm vắc-xin
Bệnh nhân Nguyễn T. H. (34 tuổi trú tại Gia Lâm, Hà Nội) mang song thai IVF 29 tuần 2 ngày được cấp cứu tại BV Phụ sản Hà Nội cơ sở 2. Thai phụ xuất hiện triệu chứng ho từ ngày 09/12/2021, xét nghiệm dương tính với Sars-Cov-2 với nồng độ virus khá cao, chỉ số CT 15. Khi nhập viện, bệnh nhân đã được các nhân viên y tế chăm sóc toàn diện, dùng các thuốc điều trị triệu chứng, thuốc chống đông, kháng sinh theo phác đồ.
Đến ngày diễn biến thứ 7, 8, 9 của bệnh, thai phụ bắt đầu xuất hiện hiện tượng sốt cao trên 39 độ. Các bác sĩ dự đoán khả năng trở nặng của bệnh nhân sẽ tăng lên. Và đúng như dự đoán, đến đêm 17/12, thai phụ bắt đầu xuất hiện triệu chứng khó thở, ngay lập tức bệnh nhân được đưa sang buồng bệnh cấp cứu để thở oxy 5 lít/phút. Các bác sĩ phải mổ cấp cứu bệnh nhân thở máy không xâm nhập nhưng không hiệu quả và phải chuyển sang thở máy qua ống nội khí quản.
Sau khi mổ sinh, hai bé bị suy hô hấp phải hồi sức sơ sinh còn ekip phẫu thuật đã phải tiến hành cắt tử cung và để lại 2 buồng trứng cho bệnh nhân do tiên lượng không thể bảo tồn được tử cung và nguy cơ chảy máu rất cao.
Vì tình trạng bệnh nhân vẫn nặng nên bác sĩ quyết định tiến hành làm ECMO ngay tại chỗ để có cơ hội cứu sống người bệnh do sản phụ này chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Thai phụ mắc nhiễm Covid-19 được mổ sinh cấp cứu
Khi số ca mắc tại Hà Nội ngày càng tăng thì số lượng phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 cũng tăng lên nhiều hơn và đa số là các sản phụ đều chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Ths. BS CKII. Nguyễn Công Định - Giám đốc Trung tâm khám và điều trị, chăm sóc sức khoẻ sinh sản - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội Cơ sở 2 - 38 Cảm Hội số lượng thai phụ bị nhiễm Covid-19 ngày càng đông.
Nguyên nhân chủ yếu do thai phụ lo lắng khi tiêm phòng vắc-xin sẽ ảnh hưởng tới em bé và sức khỏe của mình nên bản thân sản phụ không tiêm. Trong khi đó, khi mang thai kháng thể của phụ nữ sẽ không còn giống như bình thường.
Nếu mắc Covid-19 thì nguy cơ trở nặng rất nhanh. Bình thường chỉ có 20% bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhưng khi khám cho các thai phụ mắc Covid-19 thì hơn 90% có triệu chứng từ ho, sụt sịt, sốt, khó thở. Vì vậy, nguy cơ trở nặng rất nhanh. Nhiều sản phụ đã ở bên bờ sinh tử vì Covid-19.
Hãy tiêm vắc-xin ngay
Thạc sĩ Định cho biết tiêm vắc-xin hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới thai nhi hay sức khỏe của mẹ bầu. Nếu bà bầu đến các cơ sở y tế sẽ được tư vấn và tiêm vắc-xin luôn, chỉ cần đảm bảo an toàn khi tiêm chủng thì không cần lo lắng về tác dụng xa của vắc-xin.
Trước 12 tuần, thai phụ chưa được tiêm vắc-xin là vì đây là khoảng thời gian hình thành cấu trúc thai nhi, dù các nghiên cứu chưa thấy vắc-xin ảnh hưởng tới thai nhi ở giai đoạn này nhưng các nghiên cứu chỉ đưa ra khuyến cáo nên tiêm sau 13 tuần khi cấu trúc thai nhi đã ổn định.
Thạc sĩ Định cho biết có nhiều thai phụ cho rằng chỉ cần ở nhà không đi đâu thì sẽ không bị mắc Covid-19 trong khi nếu tiêm vắc xin thì lại có nhiều tác dụng phụ. Điều này là sai lầm vì bà bầu ở nhà nhưng người nhà của bà bầu vẫn đi làm, vẫn ra ngoài thì nguy cơ mang bệnh về nhà có thể xảy ra nên các thai phụ đừng nghĩ ở nhà thì không cần tiêm.
Thạc sĩ Định cho biết tác dụng phụ khi bà bầu tiêm vắc-xin cũng sẽ xảy ra giống như người bình thường tiêm vắc-xin, có người có triệu chứng, có người không có triệu chứng gì sau khi tiêm vắc-xin. Trong quá trình khám cho các bệnh nhân Covid-19 tại BV Phụ sản Hà Nội, bác sĩ Định gặp những người đã mang thai tới tuần thứ 35 – 37 nhưng lại có suy nghĩ chờ sinh xong mới tiêm và kết quả bị nhiễm bệnh, bệnh trở nặng khiến bác sĩ phải mổ cấp cứu.
Vì vậy, bác sĩ Định cho rằng không nên chờ mà nên tiêm ngay. Vì ở giai đoạn hiện nay, cho dù bạn chỉ tiêm 1 mũi vắc-xin vẫn còn tốt hơn là không tiêm, sau khi sinh thì tiêm thêm cho đủ liều cơ bản.
Nếu thai phụ gần ngày sinh chưa tiêm vắc-xin thì sau sinh 2 tuần nên lập tức tiêm vắc-xin luôn, vắc-xin cũng không hề ảnh hưởng tới sữa mẹ.