Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động để thu hút dòng vốn

07/01/2022 09:35

Bước sang tháng đầu tiên của năm 2022, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã có sự điều chỉnh tăng nhẹ.

Trong tháng đầu năm mới 2022, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã có sự điều chỉnh theo hướng đi lên để thu hút tiền nhàn rỗi của người dân nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay cuối năm, trong bối cảnh dòng tiền đang chảy nhiều vào thị trường chứng khoán và bất động sản.

cen1-1641522848.jpg
Một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn để thu hút tiền nhàn rỗi của người dân nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay cuối năm. (Ảnh minh họa: KT)

Cụ thể, lãi suất ngân hàng VPBank đã điều chỉnh lãi suất huy động vốn tăng ở các kỳ hạn nhất định. Khunglãi suất tiết kiệmáp dụng cho hình thức gửi tại quầy từ 3,2%/năm đến 6,3%/năm, lần lượt áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng. Với hạn mức từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng,lãi suất từ 3,7%/năm đến 5,7%/năm, tăng từ 0,1 đến 0,6 điểm phần trăm so với tháng trước.Với hạn mức từ 10 tỷ đồng trở lên, lãi suất hiện nằm trong khoảng 3,9%/năm - 6,3%/năm, tăng từ 0,3%/năm đến 0,9%/năm.

Kênh tiền gửi online tại VPBank cũng điều chỉnh tăng so với tháng trước. Phạm vilãi suất tiền gửicho khách hàng khi gửi online được triển khai trong khoảng 3,5%/năm - 6,5%/năm, tương ứng cho từng kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng.

Tại Techcombank, lãi suất đầu tư cập nhật ngày 06/01/2022: Kì hạn 3 tháng là6,5%/năm; kì hạn 6 tháng là7,06%/năm, vàkì hạn 12 tháng là 8,19%/năm

Lãi suất tại ngân hàng OceanBank cũng tăng tại nhiều kỳ hạn trong tháng 1/2022, áp dụng cho cả hai hình thức gửi tiền tại quầy và thông qua kênh online (sẽ nhận cùng lãi suất trong khoảng 3,6 - 6,6%/năm).Lãi suất huy động của OceanBank dành cho hai kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng hiện ở mức 6,55%/năm và 6,4%/năm, lần lượt tăng 0,45 điểm % và 0,3 điểm % so với tháng trước.

Ngân hàng MSB cũng đang huy động với lãi suất cao nhất là 7%/năm với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 và 13 tháng.

Trong khi đó, các ngân hàng Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank cũng đồng loạt áp dụng mức lãi suất cao nhất là 5,5-5,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.

Số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tăng trưởng tiền gửi từ khu vực dân cư có xu hướng giảm mạnh, từ mức 7,5% vào năm 2020 còn khoảng 4% trong năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang được duy trì ở mức nền thấp, chỉ dao động 3% - 4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7% - 5%/năm đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2% - 6,5%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng.

cen2-1641522848.jpg
Thời gian gần đây, dòng tiền chảy mạnh vào lĩnh vực chứng khoán và bất động sản. (Ảnh minh họa: KT)

Giới phân tích thị trường đánh giá, lãi suất huy động có xu hướng tăng trở lại sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, một phần để thu hút dòng tiền nhàn rỗi trở lại ngân hàng thay vì đổ vào các kênh đầu tư khác, như chứng khoán và bất động sản.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực, động thái tăng lãi suất huy động những ngày qua chỉ diễn ra ở một số ngân hàng và chủ yếu do tính thời vụ cuối năm, không phải xu hướng chung.

TS. Cấn Văn Lực nhận định, trước mắt lãi suất cho vay có thể chịu áp lực tăng nhưng về cơ bản vẫn sẽ ổn định theo định hướng chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định lãi suất cho vay. Thậm chí, các ngân hàng còn phấn đấu giảm nhẹ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Ở một góc nhìn khác, báo cáo vĩ mô và dự báo thị trường năm 2022 của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lại cho rằng, mặt bằng lãi suất năm nay khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng tăng nhẹ trở lại quanh ngưỡng 0,25-0,5%, nhất là trong nửa cuối của năm 2022.

Nguyên nhân lãi suất tăng được VNDirect lý giải là do nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng và áp lực lạm phát trong năm 2022. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác như bất động sản và chứng khoán cũng có thể khiến lãi suất đi lên trong năm tới.

Trần Ngọc