Theo báo cáo của DKRA Group, nguồn cung nhà phố, biệt thự TP.HCM và các tỉnh phụ cận phía Nam trong tháng 5 có nguồn cung mới mở bán ít ỏi, thanh khoản thị trường kém. Nguồn cung nhà phố, biệt thự tất cả đều thuộc giai đoạn mở bán tiếp theo, với 2 dự án nhưng chỉ có 19 sản phẩm bán ra trong tháng 5/2024, giảm 68% so với cùng kỳ 2023.
Giao dịch thị trường bất động sản vẫn èo uột, lượng tiêu thụ nhà phố, biệt thự mới trong tháng 5 giảm mạnh, ghi nhận mức giảm 40% so với cùng kỳ năm trước, chỉ bán được 3 căn trong tháng qua. Điều này cho thấy, so với căn hộ hay đất nền, phân khúc nhà phố, biệt thự vẫn chậm nhịp.
Dự án nhà phố, biệt thự mở bán mới tập trung chủ yếu tại Đồng Nai, Bình Dương. Các khu vực còn lại duy trì tình trạng khan hiếm nguồn cung mới.
Mặt bằng giá sơ cấp duy trì xu hướng đi ngang so với lần mở bán trước đó. Các chính sách như thanh toán 30% nhận nhà, hỗ trợ ngân hàng, ưu đãi cho khách hàng thanh toán vượt tiến độ,... được chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.
Mặt bằng giá thứ cấp không có nhiều biến động so với đầu năm, thanh khoản thị trường tập trung ở các sản phẩm đảm bảo về pháp lý và tiến độ thi công.
Tương tự, theo Savills Việt Nam, dòng sản phẩm biệt thự, nhà phố tại TP.HCM đang có nguồn cung yếu nhất kể từ năm 2019 với lượng giao dịch và tỉ lệ hấp thụ sụt giảm liên tiếp. Cụ thể, trong năm 2023, nguồn cung sơ cấp giảm 40% theo năm, xuống 993 căn, thấp nhất trong 5 năm vừa qua và chủ yếu đến từ hàng tồn kho giá cao, ở mức giá trên 30 tỉ đồng/căn.
Tương tự, lượng bán và tỉ lệ hấp thụ cũng thấp nhất trong 5 năm qua, giảm xuống còn 29% và lượng bán chỉ đạt 286 căn, giảm 73% theo năm. Do nguồn cung giá cả phải chăng vẫn còn hạn chế, lượng căn giá cao tiếp tục chiếm lĩnh thị trường khi các căn trị giá trên 30 tỉ đồng chiếm 67% tổng lượng bán.
Theo Savills Việt Nam, nguyên nhân khách quan đến từ việc quá trình huy động nguồn vốn bị ảnh hưởng bởi việc thanh tra phát hành trái phiếu bất động sản. Ngoài ra, ảnh hưởng của diễn biến kinh tế và chính trị thế giới lên kinh tế trong nước gây nhiều khó khăn, khiến thu nhập và dòng tiền của doanh nghiệp và người dân bị tắc nghẽn.
Mặt khác, về nguyên nhân chủ quan, sự khan hiếm của quỹ đất tại khu vực nội thành của TP.HCM đã thúc đẩy giá nhà tăng cao, dẫn đến khả năng chi trả giảm. Vì nguồn cung có giới hạn và chủ đầu tư dần hướng đến phân khúc nhà cao cấp, đối tượng người mua bị thu hẹp, làm tốc độ hấp thụ chậm đi đáng kể.