Nguồn cung trong nước dư thừa
Theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam, hiện năng lực sản xuất ure của 4 nhà máy trong nước gồm Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ (thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam); Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đã đạt khoảng 3 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu về ure cho sản xuất nông nghiệp trong nước chỉ khoảng 1,6 đến 1,8 triệu tấn/năm. Vì vậy, đến thời điểm này, nguồn cung phân ure trong nước đã vượt xa nhu cầu.
Tương tự, hiện tổng công suất sản xuất phân bón supe lân của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty cổ phần Phân bón miền Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam); Supe lân Apromaco Lào Cai thuộc Công ty Vật tư nông sản đạt khoảng 1,5 -1,6 triệu tấn/năm. Thêm vào đó, sản lượng phân lân nung chảy của 3 nhà máy phân lân (Văn Điển, Ninh Bình, Lào Cai) khoảng hơn 600.000 tấn/năm. Vì vậy, tổng sản lượng supe lân và lân nung trong nước đạt hơn 2 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, báo Tin tức dẫn thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, nhu cầu phân supe lân sử dụng trực tiếp ở mức 500.000 tấn/năm, lượng supe lân nguyên liệu cho sản xuất phân bón tổng hợp NPK khoảng 600.000 tấn/năm. Vì vậy, năng lực sản xuất phân bón supe lân đang dư thừa tới hàng triệu tấn/năm.
Với nguồn cung nhiều loại phân bón như đạm ure, supe lân đều đang dư thừa so với nhu cầu tiêu thụ trong nước, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang triển khai nhiều giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu để tăng tiêu thụ, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024 cả nước xuất khẩu 351.962 tấn phân bón các loại, tương đương 145,42 triệu USD, giá trung bình 413,2 USD/tấn, tăng 26,5% về khối lượng, tăng 12,8% về kim ngạch nhưng giảm 10,9% về giá so với 2 tháng đầu năm 2023.
Riêng tháng 2/2024 xuất khẩu 171.741 tấn phân bón các loại, đạt 72,52 triệu USD, giá 422,3 USD/tấn, giảm 4,7% về khối lượng, giảm 0,5% kim ngạch nhưng tăng 4,4% về giá so với tháng 1/2024; So với tháng 2/2023 thì tăng 13,7% về lượng, tăng 11,5% về kim ngạch nhưng giảm 1,9% về giá.
Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này chiếm trên 19% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 67.530 tấn, tương đương 27,98 triệu USD, giá trung bình 414,3 USD/tấn, tăng 10% về lượng, nhưng giảm 5,4% kim ngạch và giảm 14% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng tháng 2/2024 xuất khẩu sang thị trường này giảm 21,3% về khối lượng, giảm 26% về kim ngạch và giảm 6% về giá so với tháng 1/2024, đạt 29.750 tấn, tương đương 11,9 triệu USD.
Đứng sau thị trường Campuchia là các thị trường như: Hàn Quốc đạt 60.720 tấn, tương đương 25,2 triệu USD, giá trung bình 415 USD/tấn, tăng mạnh 51,3% về lượng, tăng 63,6% kim ngạch và tăng 8,1% về giá, chiếm trên 17% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Xuất khẩu sang thị trường Philippines đạt 17.894 tấn, tương đương 8,1 triệu USD, giá trung bình 454 USD/tấn, tăng 217% về lượng và tăng 90,9% kim ngạch, giá giảm 39,8%, chiếm trên 5% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch.
Xuất khẩu sang thị trường Malaysia đạt 22.407 tấn, tương đương 7,4 triệu USD, giá trung bình 330,2 USD/tấn, tăng 12,7% về lượng, tăng 19% kim ngạch, giá tăng 5,7%, chiếm 6,4% trong tổng khối lượng và chiếm 5,1% trong tổng kim ngạch.
Theo báo Công Thương, khối lượng và kim ngạch xuất khẩu phân bón tăng, phải kể đến sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Cụ thể là Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, Hose: DCM) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo).
Theo đó, Apromaco là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất với sản lượng đạt 47,3 nghìn tấn, tăng 27,8 nghìn tấn so với tháng 1/2024. PVCFC là doanh nghiệp xuất khẩu lớn thứ 2 với 43,4 nghìn tấn ure, tăng 36,9 nghìn tấn so với tháng 1.
Tiếp đến là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, mã chứng khoán DPM) với 12 nghìn tấn ure, giảm 26,9 nghìn tấn so với tháng 1.
Tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, với thực tế nguồn cung phân bón trong nước đã vượt nhu cầu, việc có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu là cần thiết. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp phân bón trong nước vẫn bị áp thuế xuất khẩu 5% khiến phân bón Việt khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại của nước ngoài.
Thực tế cũng cho thấy việc xuất khẩu ure của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi nguồn ure từ một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Brunei... nơi các nhà sản xuất không phải chịu thuế xuất khẩu 5%. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng supe lân xuất khẩu của Việt Nam hiện kim ngạch rất nhỏ, trong đó năm 2022 chưa tới 100.000 tấn/năm.
Tháng 12/2023, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Tài chính về góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó có kiến nghị áp thuế suất thuế xuất khẩu một số loại phân bón như ure, supe lân, SOP về 0%, thay vì mức 5% như hiện hành.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Ninh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc kiến nghị xem xét lại chính sách thuế để khuyến khích xuất khẩu ure và tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu.