Người tiêu dùng lựa chọn xu hướng tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường

30/06/2023 08:22

Ngày 28/6, tại Hà Nội Diễn đàn "Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2023: Xu hướng và thị trường bán lẻ" được tổ chức bởi Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, giúp cho các doanh nghiệp và nhà quản lý hiểu rõ hơn nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường .

Đây là chương trình diễn đàn thường niên, tập trung vào các vấn đề quan trọng liên quan đến ngành hàng tiêu dùng. Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực, chương trình đã tạo ra một diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin và định hướng phát triển cho ngành tiêu dùng Việt Nam.

Diễn đàn được tổ chức nhằm mục tiêu nghiên cứu, đánh giá tổng quan thị trường tiêu dùng Việt Nam trong những năm qua, nhằm nhận biết điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của ngành. Điều này giúp các doanh nghiệp và nhà quản lý hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh và định hướng phát triển bền vững cho ngành tiêu dùng.

Làm rõ tác động ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tình hình kinh tế chính trị thế giới đối với khuynh hướng tiêu dùng của thị trường Việt Nam. Điều này giúp các doanh nghiệp thích ứng và tận dụng cơ hội trong thị trường biến động.

Gọi tên các xu hướng tiêu dùng tương lai và tâm lý tiêu dùng khách hàng. Điều này giúp các doanh nghiệp và nhà quản lý định hình các chiến lược tiếp cận và phát triển sản phẩm dựa trên nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng lựa chọn xu hướng tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường  - Ảnh 1.

Giám đốc bộ phận Consumer Insight NielsenIQ Việt Nam Đặng Thúy Hà cho biết, người tiêu dùng đang rất quan tâm đến những sản phẩm có tính bền vững và thân thiện môi trường

Theo thống kê của NielsenIQ Việt Nam, người tiêu dùng đã có những nỗ lực hành động, hướng đến lối sống bền vững khi có đến 49% không dùng túi nhựa; 47% chỉ mua đồ cần thiết khi đi mua sắm tại cửa hàng; 45% tiết kiệm điện; 45% có ý thức phân loại rác tái chế khi ở nhà.

Khi nhắc đến cơ hội cho doanh nghiệp bán lẻ và sản xuất năm 2023, Giám đốc bộ phận Consumer Insight NielsenIQ Việt Nam Đặng Thúy Hà cho biết, người tiêu dùng đang rất quan tâm đến những sản phẩm có tính bền vững và thân thiện môi trường, do vậy nhà quản lý, doanh nghiệp cần xem xét và đẩy mạnh xây dựng lộ trình chuyển đổi và phát triển, minh bạch thông tin và loại bỏ các tuyên bố "xanh" vô căn cứ.

Bà Đặng Thúy Hà cho rằng, nhu cầu người tiêu dùng gia tăng chính là yếu tố quyết định cho xu thế phát triển bền vững trong các doanh nghiệp. Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra nhiều hậu quả nặng nề đối với cuộc sống con người trong quy mô toàn cầu. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 xảy ra đã thay đổi suy nghĩ của con người về sống xanh, lối sống bền vững.

Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Nguyễn Minh Tiến nhận định: Những năm gần đây, xu hướng sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên trở nên phổ biến. Ý thức quan tâm về sức khỏe cao, người tiêu dùng sẵn sàng trả chi phí cao hơn cho những sản phẩm chất lượng. Nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp nông sản đã đầu tư mạnh vào quy trình sản xuất khiến sản phẩm phát triển cả về chất và lượng.

Khảo sát về xu hướng tiêu dùng xanh từ góc nhìn của người tiêu dùng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của Intage Việt Nam cũng cho thấy, tiêu dùng xanh đang trở thành vấn đề tất yếu.

95% người tiêu dùng đã có ý thức về bảo vệ môi trường. Họ nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ môi trường và tư duy rằng mỗi người đều có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường sống xung quanh. Thay đổi hành vi, thói quen hàng ngày để có các tác động tích cực và bảo vệ môi trường.

Nhận thức này được chuyển thành hành động, khi có tới 59% người tiêu dùng lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới không cần thiết; 61% tắt các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng; 39% hạn chế dùng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa, thay thế bằng túi canvas…

Khảo sát của NielsenIQ cũng cho thấy, 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng. Tỷ lệ tương tự đánh giá là rất quan trọng. Trong khi đó, chỉ có 3% người tiêu dùng cho rằng điều này không quan trọng.

Để không đứng ngoài xu thế này, cách doanh nghiệp cần chủ động chứng minh các hành động và kết quả phát triển bền vững. Các doanh nghiệp sản xuất cần thực hiện hoạt động đánh giá từ chuyên gia nội bộ hoặc bên thứ ba về kế hoạch hành động giảm phát thải và hiệu quả thực thi. Đồng thời, thay thế, giảm thiểu nhựa trong bao bì. Đầu tư, cam kết sử dụng năng lượng bền vững, thân thiện với môi trường.

Với các doanh nghiệp bán lẻ, đại diện NielsenIQ cho rằng cần có ứng dụng cho phép khách hàng theo dõi tác động của giỏ hàng họ mua lên môi trường. Các nhà bán lẻ nên cung cấp nhiều sản phẩm chay, hữu cơ và các sản phẩm địa phương. Dãn nhãn carbon trên sản phẩm và sử dụng xe điện để vận chuyển hàng hóa...

Để xu hướng sử dụng, tiêu dùng nông sản sạch phát triển bền vững, hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp cho rằng các cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm.Có các biện pháp nghiêm khắc đối với tình trạng làm hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Đồng thời thực hiện các giải pháp, chính sách nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản và an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản sạch.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực đối với đơn vị sản xuất nông sản, tăng cường nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường và cơ hội để điều chỉnh sản xuất theo hướng phù hợp đáp ứng các tiêu chuẩn kĩ thuật và xu hướng, nhu cầu khách hàng.

Nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng thị trường: Tham gia đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng tổ chức sản xuất và chuyển đổi tư duy sản xuất sản phẩm xanh, sạch, thân thiện môi trường; đổi mới về khoa học công nghệ chế biến, bảo quản; áp dụng các tiêu chuẩn kĩ thuật, quy trình sản xuất đạt chuẩn.

Thanh Thủy