Tại Quyết định số 2316/QĐ- BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ký ban hành, Nghề ướp Trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phường Quảng An với ưu thế 3 mặt giáp hồ Tây, có 157 ha mặt nước hồ Tây với 11 ao, hồ, đầm có thổ nhưỡng tốt, lớp bùn dày rất phù hợp cho sen bách diệp phát triển nên từ xa xưa, đây là nơi trồng sen và làm trà sen nổi tiếng.
Trà sen từ xa xưa đã là một phẩm trà quý, thấm đẫm hồn Việt, chinh phục, mê hoặc biết bao thế hệ trà nhân Việt. Hoa sen có ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa và tôn giáo của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Sen kết hợp với trà tạo nên một sự đồng điệu, sen nhập vào trà kéo trà lên, trà đưa sen lên đỉnh cao của hương vị.
Mảnh đất Quảng An nằm cạnh hồ Tây xưa kia là một vùng sen rộng lớn của Hà Nội và đây cũng chính là cái nôi của nghề ướp trà sen nổi tiếng. Quảng An xưa có tên gọi là xóm Mẩu, là một vòm đất nhỏ nhô ra phía hồ Tây, bao quanh là đầm, ao, hồ. Do khí hậu, nguồn nước và đặc biệt là thổ nhưỡng, hồ Tây nổi tiếng với giống sen quý cánh kép, hương thơm ngào ngạt, còn được gọi là sen bách diệp.
Loại sen này “khi nở to như hai bàn tay, có trăm cánh, xếp lớp bao bọc lấy nhụy, đài và gạo sen, giữ cho sen một mùi thơm thuần khiết, ngát đượm”. Chẳng phải ngẫu nhiên sen hồ Tây ở vị trí thượng đẳng mà sen các vùng khác khó sánh bằng, sen hồ Tây được nuôi dưỡng bằng lớp bùn tích tụ suốt hàng thiên niên kỷ nên dày từ 0,7 đến 1,2 m - điều mà hiếm đầm nào có được.
Từ xa xưa, người Quảng An đã sử dụng sen bách diệp để sáng tạo nên sản phẩm trà sen và những tri thức làm trà sen đã được bao đời trao truyền, gìn giữ đến ngày nay.
Theo Hồ sơ di sản trà sen Quảng An do Phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội xây dựng thì quy trình ướp trà sen khô phải trải qua rất nhiều công đoạn, thường thì phải mất khoảng 1.200 đến 1.500 bông sen mới có thể cho ra 1kg chè ướp thành phẩm. Hiện nay, tại Quảng An có nhiều hộ gia đình vẫn duy trì nghề ướp trà sen.
Từ năm 2015, Di sản văn hóa phi vật thể nghề làm trà sen Quảng An đã được Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội kiểm kê và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể ưu tiên bảo vệ.
Đến năm 2020, Quận ủy Tây Hồ đã đưa ra Chương trình 02-CTr/QU ngày 19/10/2020 về “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế; chú trọng phát triển ngành dịch vụ du lịch gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống của quận” trong đó có các Đề án phát triển trồng hoa sen tại các ao, hồ trên địa bàn quận.
Thực hiện Chương trình 02-CTr/QU, UBND quận đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả khảo sát các hồ xung quanh hồ Tây trên địa bàn phường Quảng An và Nhật Tân; tìm hiểu thực trạng sản xuất, tiêu dùng trà sen tên địa bàn Quận và đưa ra một số giải pháp duy trì, phát triển các đầm sen và sản xuất trà sen trên địa bàn quận.
Theo thông tin từ Phòng Quản lý Di sản Sở VHTT Hà Nội thì từ xưa đến nay, nghề làm trà sen vẫn được người Quảng An thực hành mỗi khi mùa sen đến và không bị gián đoạn. Việc thực hành nghề làm trà sen hàng năm là biện pháp bảo vệ di sản quan trọng mà người dân nơi đây đang thực hiện.
Tuy nhiên hiện nay, nghề ướp trà sen tại Quảng An đang gặp khó khăn do diện tích trồng sen bị thu hẹp, ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của sen; thị hiếu của người dùng, nhất là giới trẻ ngày càng ít quan tâm về trà và không thích uống trà. Hơn nữa, có nhiều người vẫn chưa hiểu, trân trọng các giá trị, lợi ích văn hóa, tinh thần và thể chất của việc thưởng trà nói chung, trà ướp sen nói riêng.
Trước thực trạng đó, thành phố Hà Nội đã có kế hoạch phát triển, mở rộng diện tích trồng sen bách hợp để tôn vinh giá trị sen hồ Tây và góp phần giữ gìn nghề truyền thống ướp trà sen nơi đây. Việc nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tin vui để thành phố Hà Nội quyết tâm thực hiện các biện pháp bảo tồn, quảng bá và phát triển giá trị sen Tây Hồ.
Theo Quyết định số 2316 về việc đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào Danh mục tại Điều 1 Quyết định này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 9/8/2024. Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở VH&TT thành phố Hà Nội, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan tới di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào danh mục chịu trách nhiệm thi hành Quyết định số 2316.