Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho hay, tính đến hết tháng 4/2025, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là nhờ sự tăng trưởng tích cực ở tất cả các thị trường nhập khẩu (NK) tôm chính của Việt Nam.
“Cơn bão thuế đối ứng” từ Mỹ cũng có tác động không nhỏ tới kim ngạch xuất khẩu (XK) tôm của Việt Nam trong tháng 4 năm nay do doanh nghiệp gấp rút đẩy mạnh xuất hàng sang Mỹ, tận dụng thời gian tạm hoãn thuế của Mỹ.
Sự tăng trưởng ghi nhận ở các thị trường Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Australia, Anh, Đài Loan, Thụy Sỹ cũng thể hiện phần nào sự chuyển hướng thị trường của các doanh nghiệp XK tôm trong bối cảnh lo ngại “bão thuế” từ Mỹ.

Xuất khẩu tôm Việt áp lực từ thuế quan. Ảnh: Internet
Về thị trường tiêu thụ tôm, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 389 triệu USD (tăng 103%) trong 4 tháng đầu năm. Mức tăng trưởng 3 con số tại thị trường này là nhờ doanh số bán tôm hùm của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh.
Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm nay đạt 193 triệu USD (tăng 15%). Riêng trong tháng 4, XK tôm sang thị trường này ghi nhận tăng 25%. Đà tăng này chủ yếu đến từ việc DN đẩy mạnh giao hàng trong giai đoạn tạm hoãn thuế từ Mỹ. Tuy nhiên, đà tăng này liệu có duy trì được lâu hay không còn chưa rõ ràng và phải chờ đợi quyết định chính thức từ Mỹ về chính sách thuế của họ đối với các nước.
Hiện các DN XK sang Mỹ đang tập trung cho các đơn hàng đang ký trước đó, có đơn vị thì nằm chờ, có đơn vị vẫn ký hợp đồng mới nhưng có những điều khoản để giải quyết khi mức thuế đối ứng được xác định. Có đơn vị thì chủ động dịch chuyển xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Á, khôi phục quan hệ với khách hàng cũ và cắt giảm chi phí sản xuất.
Có nhiều kịch bản được đặt ra về mức thuế đối ứng Mỹ dành cho Việt Nam. Những đối thủ cạnh tranh với tôm Việt Nam như Ecuador, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan…, khả năng có mức thuế sau đàm phán thấp hơn Việt Nam. Bởi vì, thuế đối ứng của Bangladesh là 37%, Thái Lan 36%, Ấn Độ 26% và Ecuador chỉ 10%, tức thấp hơn mức 46% của Việt Nam. Điều này rất có thể những quốc gia này sẽ được áp mức thuế thấp hơn 20%. Nếu kịch bản này xảy ra, thị phần và khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ chắc chắn bị lung lay.
Việt Nam vẫn đang từng bước đáp ứng các yêu cầu của Mỹ, bao gồm giảm mạnh hàng rào thuế quan và phi thuế quan cho hàng hoá Mỹ; kiểm soát được gian lận xuất xứ hàng hoá; điều hành tỷ giá linh hoạt; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…
Với kim ngạch 152 triệu USD (tăng 28%), chiếm 11,7% tổng xuất khẩu, EU tiếp tục là thị trường quan trọng của tôm Việt Nam trong bối cảnh áp lực gia tăng từ “bão thuế Mỹ”. Điều đáng chú ý là tính ổn định của thị trường này – phần lớn do xu hướng tiêu dùng tôm tại nhà, không phụ thuộc vào dịch vụ nhà hàng nên ít bị ảnh hưởng về giá và biến động thị trường.
Ngoài các thị trường trên, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt 169 triệu USD (tăng 20%). Đây là thị trường truyền thống và có xu hướng tăng từ đầu năm đến nay.
Dù 4 tháng đầu năm, XK tôm ghi nhận phục hồi, nhưng triển vọng vẫn còn nhiều ẩn số. VASEP lưu ý, các doanh nghiệp cần chủ động chuyển hướng sang các thị trường có tiềm năng và ưu đãi thuế quan, đặc biệt là tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, RCEP… để mở rộng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Doanh nghiệp cũng nên hướng tới khai thác thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ để phân tán rủi ro, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường và tính đến cả thị trường nội địa.