Động lực từ chính sách giãn nợ
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 14/2021/NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020 về việc gia hạn thời hạn trả nợ đối với những khoản nợ bị tác động bởi Covid-19, đồng thời cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) trích lập dự phòng cần thiết đối với các khoản nợ này trong thời hạn 3 năm. Thông tư 14 sẽ có hiệu lực từ ngày 07/09/2021.
Theo quy định của Thông tư 14, các ngân hàng thương mại có thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 – 30/06/2022 đối với các khoản nợ bị tác động bởi Covid-19 lên đến 12 tháng mà không cần thay đổi nhóm nợ cho các khoản nợ này. Các ngân hàng thương mại phải tiến hành thẩm định để xác định các khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch (như các doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm do Covid-19).
Áp dụng cho các khoản nợ giải ngân trước ngày 01/08/2021 (Thông tư trước đó chỉ áp dụng cho các khoản nợ giải ngân trước ngày 10/06/2020) do tác động của làn sóng Covid thứ 4 từ ngày 27/04/2021 đến nay.
Không có những thay đổi về yêu cầu trích lập dự phòng. Như vậy, với các khoản nợ tái cơ cấu mà trước đó thuộc nợ nhóm 2-3-4, ngân hàng phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ này theo lộ trình 3 năm, trong đó: trích lập dự phòng tối thiểu 30% vào cuối năm 2021, tối thiểu 60% vào cuối năm 2022 và 100% vào cuối năm 2023.
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia tài chính, đây là động thái hợp lí và rất được mong đợi từ Ngân hàng Trung ương nhằm hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp vay vốn trong nước trước những bất ổn của tình hình Covid-19. Điều này tạo điều kiện cho cả ngân hàng lẫn người đi vay quản lí, giải quyết các tác động trung hạn bởi đại dịch.
Đối với các ngân hàng nói riêng, Thông tư này cho phép ngân hàng quản lí gánh nặng trích lập dự phòng bởi ngân hàng có thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay bị ảnh hưởng bởi đại dịch mà không cần thay đổi nhóm nợ đối với các khoản vay này, đồng thời ngân hàng có thể dàn trải dự phòng cho các khoản vay nhóm 2-4 (nhóm dư nợ cần chú ý) trên 3 năm.
Xét đến nền tảng nợ xấu thấp của các ngân hàng Việt Nam hiện tại và bộ đệm dự phòng rủi ro hiện đã cao hơn nhờ sự hỗ trợ bởi quy định giãn nợ này, các chuyên gia tài chính duy trì quan điểm rằng sẽ không có cú sốc về tỉ lệ trích lập dự phòng, phí suất tín dụng đối với các ngân hàng trong nửa sau 2021. Điều này sẽ giúp các ngân hàng duy trì tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong những tháng cuối năm và cả năm 2021 ở mức 32% trong kịch bản cơ sở, theo dự báo.
Theo Ngân hàng Thương mại Á Châu (ACB), đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được đợt dịch thứ 4. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong những tháng vừa qua của năm 2021 cao hơn nhiều so với kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước nhờ lãi suất cho vay ở mức thấp. Trong khi đó, thị trường bất động sản, nhà ở vẫn tích cực do nguồn cung dự án mới thấp, khiến đây trở thành kênh đầu tư an toàn trong giai đoạn dịch bệnh, qua đó, niềm tin của các nhà đầu tư cải thiện và nhu cầu vay để đầu tư tăng lên.
Ngân hàng này kỳ vọng nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục mạnh mẽ và tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức cao trong Quý 4/2021. ACB dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 đạt 14%, tương đương mục tiêu cao nhất của NHNN
Rủi ro nợ xấu đang bị thổi phồng
Theo quan sát của Công Ty TNHH Một Thành Viên Chứng Khoán Maybank Kim Eng (Maybank), đã có nhiều phân tích, bình luận được lan truyền trên các phương tiện truyền thông về nợ xấu ngân hàng trong giai đoạn tới, điều này đã dấy lên mối lo ngại về rủi ro nợ xấu của ngân hàng. Maybank cho rằng rủi ro mà thị trường nhận thấy bị thổi phồng lên so với rủi ro thực tế.
Theo quan điểm của Maybank, chắc chắn rằng, nợ xấu sẽ gia tăng do tình hình Covid-19 kéo dài. Tuy nhiên, nên đặt câu hỏi và phân tích rằng, liệu tỷ lệ nợ xấu có tăng cao đến mức gây rủi ro hệ thống, tức là gây ra những đổ vỡ trong hoạt động ngân hàng như giai đoạn 2012-2013 và liệu tỷ lệ nợ xấu gia tăng sẽ dẫn đến phí suất tín dụng tăng cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng lợi nhuận trung hạn cũng như thay đổi đáng kể triển vọng lợi nhuận và khả năng sinh lời của các ngân hàng trong 3 năm tới.
Maybank phân tích, về mặt kỹ thuật, khi tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tăng trên 10% sẽ gây ra rủi ro hệ thống do nợ xấu có thể nhấn chìm toàn bộ vốn của ngân hàng, gây ra những sự cố trong hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng. Đây là những gì đã xảy ra vào năm 2012 khi tăng trưởng tín dụng của Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất lịch sử do các ngân hàng phải tập trung vào việc dọn dẹp nợ xấu và tái cấp vốn cho chính mình.
Ngành ngân hàng hiện nay, theo Maybak sẽ không giống với viễn cảnh năm 2012 như phân tích ở trên. Theo ước tính thận trọng (khi áp dụng tỉ lệ nợ xấu vào mức đáng báo động vào khoảng 30-80% đối với các khoản vay thuộc các ngành đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như vận tải, du lịch nghỉ dưỡng và tài chính tiêu dùng), Maybank dự báo tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống sẽ tăng lên mức 7%, vẫn thấp hơn mức rủi ro hệ thống và tỷ lệ nợ xấu năm 2012 là 17,2%.
Theo Maybank, viêc tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng giảm tốc trong nửa cuối năm 2021 là hoàn toàn hợp lí, dựa trên mức tăng trưởng vượt trội 6 tháng đầu năm và mức so sánh ổn định nửa sau 2020.
Tín dụng được đẩy mạnh từ Quý 4/2021 để hỗ trợ phát triển kinh tế sẽ giúp các ngân hàng đầu ngành nhận thêm hạn mức tín dụng. Do đó Maybank cho rằng sẽ không có “cú sốc” về phí suất tín dụng do tỷ lệ nợ xấu hiện tại đang ở mức thấp, bộ đệm dự phòng rủi ro hiện đã cao hơn nhiều, và được hỗ trợ thêm bởi chính sách về giãn nợ và trích lập dự phòng.