Ngành hàng không thua lỗ nhiều vì đại dịch Covid-19

29/06/2020 16:02

Do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp hàng không đối mặt với nguy cơ phá sản cao do không bù đắp được những khoản chi phí lớn để duy trì hoạt động. Sự ngưng trệ của ngành hàng không cũng mang lại những tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm thương mại, dịch vụ, du lịch.

Bộ Tài chính vừa có tờ trình Dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020. Theo dự thảo, từ tháng 12/2019, đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia trên thế giới. Hiện tại, Việt Nam đã bước đầu kiểm soát được dịch, tuy nhiên tình hình dịch trên thế giới vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều ngành, nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là ngành vận tải do việc hạn chế đi lại cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn.

Một trong những ngành vận tải ảnh hưởng nặng nề nhất là vận tải hàng không. Ngay từ khi dịch bùng phát vào tháng 01/2020, lệnh giãn cách xã hội được triển khai tại một số quốc gia cùng với tâm lý chủ động hạn chế di chuyển để phòng tránh dịch của người dân đã khiến thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh. 

Ảnh minh hoạ

 

Trong thời gian cách ly, để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, ngành hàng không hạn chế hầu hết các chuyến bay nội địa, chỉ còn duy trì 3 đường bay từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; từ thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng và một ngày có không quá 04 chuyến bay khứ hồi chở khách trên thị trường nội địa . Đồng thời ngành hàng không đã dừng toàn bộ các đường bay quốc tế thường lệ, chỉ còn thực hiện một số chuyến bay chở hàng và chở khách nước ngoài bị kẹt tại Việt Nam về nước.

Theo đánh giá thì thiệt hại của ngành hàng không là rất nghiêm trọng. Số lượng khách hàng và số chuyến bay khai thác sụt giảm mạnh. Theo báo cáo của Vietnam Airlines, tính đến hết quý II/2020, số chuyến bay toàn mạng giảm 32,7 nghìn chuyến bay, giảm 88,2% so với kế hoạch; số lượng khách vận chuyển giảm khoảng 5,67 triệu khách, giảm 89,3% so với kế hoạch; quy mô sản lượng của Vietnam Airlines tháng 4/2020 còn khoảng 2% so với kế hoạch. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hàng không vẫn phải gia tăng chi phí cố định để duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Các chi phí cố định bao gồm chi phí thuê máy bay, chi phí đậu đỗ và các chi phí chi thường xuyên khác (theo báo cáo của các hãng hàng không trong nước, ước tính chi phí thuê máy bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 30 triệu USD, Vietjet là 20 triệu USD; ước tính chi phí đậu đỗ sân bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 6 tỷ đồng; Vietjet khoảng 3,6 tỷ đồng; Bamboo Airways khoảng 1,24 tỷ đồng).

Doanh thu các hãng hàng không cũng giảm mạnh. Trong quý II/2020, doanh thu của Vietnam Airlines giảm khoảng 18 nghìn tỷ đồng (giảm 96,1% so với kế hoạch), lợi nhuận giảm gần 6,4 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch. Khoản lỗ lớn khiến Vietnam Airlines phải thực hiện ngừng việc với hơn 6.000 lao động gồm: 4.100 lao động trực tiếp ký kết hợp đồng lao động (quy đổi thời gian ngừng việc); ngừng sử dụng với gần 1.900 lao động thuê ngoài (phi công nước ngoài và tiếp viên ALS). Dự kiến trong năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm 49,3 nghìn tỷ đồng và mức lỗ lên đến gần 16 nghìn tỷ đồng, dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 17 nghìn tỷ đồng trong năm 2020.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, dự báo thị trường vận chuyển năm 2020, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so 2019, trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5 %), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so cùng kỳ).

PV

"https://thuonghieucongluan.com.vn/nganh-hang-khong-thua-lo-nhieu-vi-dai-dich-covid-19-a104967.html"

Bạn đang đọc bài viết "Ngành hàng không thua lỗ nhiều vì đại dịch Covid-19" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP.