"Kịch bản" vay tiền
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thái (xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) cho biết, từ năm 2019 ông 5 lần cho ông Vũ Quốc Thắng (thường trú tại xóm Cuối, xã Thành Lợi) vay tổng số tiền 1,4 tỷ đồng. Việc cho vay có giấy vay nợ viết tay chữ ký của ông Vũ Quốc Thắng và có hẹn thời gian trả nợ.
Nhưng đến nay, ông Thắng vẫn chưa hề trả nợ cho ông Nguyễn Văn Thái. Trường hợp chủ nợ phải "nai lưng" đi đòi như ông Thái không phải cá biệt ở xã Thành Lợi.
Anh Nguyễn Hồng Thảo (làng Gạo, xã Thành Lợi) cũng cho ông Vũ Quốc Thắng vay tiền. Cụ thể, ngày 10/7/2020, Vũ Quốc Thắng đến nhà anh Thảo hỏi vay 1,3 tỷ đồng và cam kết với nếu không trả được, Thắng sẽ làm thủ tục chuyển quyền sử dụng mảnh đất của mình cho anh Thảo.
Tin lời Thắng, anh Thảo cho Thắng vay 1,3 tỷ đồng và ký biên nhận vay tiền. Trong quá trình làm thủ tục nhận tiền tại nhà anh Thảo, Vũ Quốc Thắng chụp ảnh hình anh Thảo trao tiền và sau đó giải thích là chính Thắng đang cho anh Thảo vay tiền.
Quá thời hạn giao hẹn nhưng không thấy Thắng trả tiền, anh Thảo đòi nhưng "con nợ" không có khả năng trả và nói anh Thảo đưa tiếp 1 tỷ đồng để làm thủ tục sang tên mảnh đất cho Thảo. Anh Thảo trao tiếp cho Thắng 1 tỷ đồng với hy vọng ngày hôm sau làm thủ tục sang nhượn quyền sử dụng mảnh đất như cam kết… Tuy nhiên, đến nay số tiền cho vay vẫn chưa được hoàn trả, còn sổ đỏ cũng chẳng được sang tên.
Cũng với kịch bản trên, chị Nguyễn Hồng Hạnh, xóm C xã Thành Lợi cũng cho Thắng vay số tiền 5,7 tỷ đồng. Hiện nay, chị Hạnh cũng chưa thể đòi lại được hết số tiền. Chị Hạnh đã gửi đơn tố cáo cầu cứu tới các cơ quan chức năng. Vì vụ việc này mà gia đình chị Hạnh đang bấn loạn, trong nguy cơ tan nát gia đình.
Theo các "chủ nợ" cho vay tiền, ông Vũ Quốc Thắng có một mảnh đất có sổ đỏ trong xã với giá trị gần 2 tỷ đồng. Với tài sản này, ông Vũ Quốc Thắng chụp ảnh sổ đỏ "làm tin" và sau đó đi vay của người dân trong làng. Nếu không trả được nợ, Thắng sẽ chuyển quyền sử dụng mảnh đất của mình cho người cho vay tiền.
Nhiều người dân xã Thành Lợi đã làm đơn tố cáo ông Vũ Quốc Thắng đến Cơ quan công an, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Nhiều nghi vấn trong việc vay tiền để làm ăn
Theo ông Nguyễn Văn Thái, Thắng nói có chị gái có quan hệ thường xuyên với nhiều lãnh đạo địa phương, tiền vay được dùng để đầu tư kinh doanh.
"Trong tất cả quá trình vay tiền, Thắng nói là vay mượn để cho chị gái có vốn kinh doanh làm ăn ở Hà Nội và chị gái là người đầu tư rất nhiều đất đai ở các tỉnh" - ông Thái cho hay.
Trao đổi qua điện thoại với Dân Việt, ông Vũ Quốc Thắng xác nhận việc có vay tiền của một số hộ dân ở xã Thành Lợi.
Cụ thể, ông Thắng đang vay số tiền hơn 2 tỷ đồng của gia đình anh Thảo. Còn với trường hợp của bà Hạnh, ông Thắng xác nhận vài trăm triệu đồng. Trong quá trình vay tiền, ông Thắng có ký giấy xác nhận vay tiền.
"Hiện nay tôi đang khó khăn, tôi khất họ vài năm tôi đi làm rồi tôi sẽ trả lại tiền cho họ. Tôi cũng không lừa đảo ai cả. Với lại bây giờ tôi cũng ốm đau nữa. Hiện giờ tôi đang đi làm coi công trình cho bà chị ở Hà Nội. Tôi hay đi lại giữa Hà Nội và Nam Định", ông Thắng nói.
Ông Thắng cho rằng việc mình vay tiền để làm ăn nhưng vỡ nợ nên "xin khất trả tiền gốc dần"!?
Tuy nhiên, người dân cho ông Vũ Quốc Thắng vay tiền đặt nghi vấn về thông tin "vỡ nợ", bởi với số tiền lớn như vậy một mình ông Thắng khó có thể sử dụng hết trong thời gian ngắn. Hơn nữa, nếu vỡ nợ vì sao ông Thắng tiếp tục đi vay tiền nhiều người, rải rác trong thời gian dài như vậy?
Liên quan đến vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định vừa có phiếu chuyển đơn tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố cho Phòng cảnh sát hình sự (PC02) giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong phiếu chuyển đơn nêu rõ, ông Trần Văn T. và 8 công dân ở xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản Nam Định đã tố giác ông Vũ Quốc Thắng lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản số tiền 10 tỷ đồng bằng hình thức vay nợ, đến hạn cam kết ông Thắng không trả, bỏ trốn khỏi địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thái cũng xác nhận với Dân Việt, trung tuần tháng 5/2022 những người viết đơn tố cáo đã làm việc với cán bộ Công an tỉnh Nam Định, cung cấp thông tin và giấy tờ liên quan về vụ việc. Tuy nhiên, theo ông Thái, 9 người dân có đơn tố cáo thống kê số tiền cho vay là trên 22 tỷ đồng nhưng nội dung Phiếu chuyển đơn chỉ ghi số tiền 10 tỷ đồng. Hiện người dân đang chờ kết quả xác minh, điều tra của Công an tỉnh Nam Định.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, với những vụ việc như trên, các chủ nợ có thể gửi đơn lên Cơ quan Cảnh sát điều tra, kèm theo các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc vay tiền, trả lãi để họ làm rõ. Từ đó, Công an sẽ vào cuộc làm rõ xem người vay số tiền đó vay bao nhiêu tiền, vay của những ai, sử dụng số tiền đó vào việc gì, hoặc chuyển cho ai, có dấu hiệu tẩu tán tài sản cho người khác hay không? Nếu người vay vỡ nợ thì đầu tư vào lĩnh vực gì, cụ thể ra sao, có đúng là thất thoát hay không? Trường hợp có đủ căn cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can về các tội danh lạm dụng chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản và có các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Còn trường hợp không có dấu hiệu vi phạm hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ có thông báo cho người dân biết. Lúc này, người cho vay tiền có thể khởi kiện người vay tiền ra tòa án dân sự. Theo luật sư Tùng, thời hạn điều tra thông thường là 4 tháng, trong một số vụ việc phức tạp có thể gia hạn thời gian và phải được sự đồng ý của Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp. |