Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tháng 7, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của cá nhân trong nước đạt 8,31 triệu đơn vị (xấp xỉ 8,3% dân số), cao hơn 329.836 tài khoản so với thời điểm cuối tháng 6. Mức tăng này gấp 3 lần so với tháng 6 (tăng 106.417 tài khoản) và là mức cao nhất trong vòng 2 năm gần đây. Đây là tháng ghi nhận số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam cao thứ 3 lịch sử, chỉ sau giai đoạn tháng 5-6/2022.
Xét về cơ cấu, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng 7 vẫn chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 329.836 tài khoản. Trong khi đó, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 146 tài khoản.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, số lượng tài khoản của cá nhân trong nước đã tăng 1,08 triệu tài khoản, cao hơn 92% nếu so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình mỗi tháng, thị trường gia tăng trên dưới 154.000 tài khoản giao dịch cá nhân trong nước.
Tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam tính đến cuối tháng 7 đạt 8,38 triệu đơn vị.
Tuy số lượng tài khoản tăng nhưng thanh khoản trên thị trường lại trở nên trầm lắng hơn trong tháng 7 vừa qua.
Theo báo cáo chiến lược mới đây của Chứng khoán SSI, giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn chỉ đạt ở mức khoảng 19.400 tỷ đồng, giảm 24% so với tháng 6.
Riêng thanh khoản bình quân sàn HoSE đạt xấp xỉ 17.000 tỷ đồng mỗi phiên trong tháng 7, thấp hơn 27% so với tháng 6. Tháng 7 là tháng có giao dịch thấp từ đầu năm, chỉ sau tháng 1.
Tính chung 7 tháng đầu năm, thanh khoản bình quân sàn HoSE thu hẹp còn 21.000 tỷ đồng mỗi phiên. Theo các chuyên gia, giao dịch chậm lại có thể do nhà đầu tư lo ngại một số rủi ro địa chính trị và phục hồi kinh tế chậm hơn dự kiến, do vậy thực hiện quản lý rủi ro trước các biến động thường xuyên và khó dự đoán của thị trường chứng khoán.
Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 mới được phê duyệt, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Tại diễn đàn thường niên Đối thoại tháng 7 với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức” do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức, Thứ trưởng Bộ tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, thị trường chứng khoán muốn đạt chất lượng cao, phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhà đầu tư.
Cập nhật hiện nay thị trường chứng khoán quy mô vốn hóa lớn, số lượng tài khoản các nhà đầu tư mở gần 8 triệu tài khoản. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu và tài khoản thì số lượng của nhà đầu tư tổ chức khiêm tốn, con số của FiinGroup đưa ra nhà đầu tư nước ngoài nắm 14% cổ phiếu. Đây là điểm chưa mạnh và chưa bền vững của thị trường.
Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần thực thi nhiều giải pháp tạo điều kiện để mở ra hoạt động của các quỹ đầu tư, các dạng quỹ đầu tư.