Tổng lợi nhuận sau thuế Quý IV/2023 của 198 doanh nghiệp này giảm -4,4% so với cùng kỳ, trong đó các ngân hàng (bao gồm VCB, BID, STB, VIB, PGB) ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ +6,6%. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế của 186 doanh nghiệp Phi tài chính duy trì giảm sâu so với cùng kỳ (-28,6% YoY).
Những ngày vừa qua, có hơn 150 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh Quý IV/2023, tuy nhiên phần lớn là nhóm có quy mô vốn hóa nhỏ và vừa. Với nhóm vốn hóa lớn, ngoại trừ một số ngân hàng đưa ra ước tính về kết quả kinh doanh cách đây gần 2 tuần thì hiện chưa có cái tên nào đáng chú ý.
Xét theo ngành, Chứng khoán là ngành cần lưu ý trong lần cập nhật này với nhiều công ty chứng khoán (bao gồm SSI, VIX, MBS) ghi nhận lợi nhuận sau thuế Quý IV/2023 tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ (+173%). Diễn biến thuận lợi hơn của thị trường chứng khoán Việt Nam đã mang lại lợi nhuận cho mảng tự doanh và cho vay margin, thay vì lỗ hay suy giảm trong giai đoạn cuối năm 2022.
Tuy nhiên, trên thực tế, so với quý III/2023, quy mô lợi nhuận sau thuế quý IV vừa qua của các công ty chứng khoán này gần như đi ngang (đối với MBS) hay thậm chí còn kém đi (đối với SSI, VIX).
Bất động sản công nghiệp là ngành đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư với câu chuyện dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tăng mạnh nửa cuối 2023. Trong số 10 doanh nghiệp bất động sản công nghiệp có ước tính sơ bộ về kết quả kinh doanh quý IV, có tới 8 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng cao so với cùng kỳ, nổi bật là VRG (+327,4%), SZG (+286,6%), LHG (+102,4%), SZC (+49,2%). Ngược lại, lợi nhuận sau thuế Quý IV/2023 của GVR và VGC giảm lần lượt là -4% và -71,3% YoY.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh ở nhóm có kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư công như Xây dựng, Vật liệu xây dựng hay kỳ vọng xuất khẩu hồi phục như Thủy sản chưa thực sự tích cực.