Sau hơn 6 tháng lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà, anh Nguyễn Anh Tuấn (Hàng Bông, Hà Nội) vui mừng khi mỗi tháng tiền điện của gia đình anh giảm 400 - 500 ngàn đồng so với những tháng trước đây.
"Lúc đầu tôi vẫn còn chần chừ, nghi ngại về hiệu quả của hệ thống năng lượng mặt trời và sợ bị lỗ. Nhưng khi tìm hiểu và được bạn bè động viên, tôi mạnh dạn xuống tiền đầu tư bộ năng lượng mặt trời áp mái với công suất 3kWp. Giờ đây, ngoài việc tiết kiệm được tiền điện hàng tháng, tôi còn tận dụng được khoảng không dưới những tấm pin năng lượng để trồng rau, hoa… tạo thêm không gian xanh cho ngôi nhà", anh Tuấn cho biết.
Cũng rất hài lòng với hệ thống điện mặt trời áp mái nhà được lắp đặt, anh Trần An Bình (Minh Khai, Hà Nội) là hộ kinh doanh hàng ăn uống, coi đây là giải pháp thực sự hiệu quả cho vấn đề tiết kiệm điện của gia đình mình.
"Mỗi tháng gia đình tôi tiết kiệm được 900 ngàn đến 1 triệu đồng. Như vậy, sau 3 năm là có thể thu hồi vốn trong khi tuổi thọ của những thiết bị này thường là 10 năm", anh Bình chia sẻ.
Được biết, từ khi gia đình anh Bình lắp đặt điện mặt trời áp mái, các hộ trong xóm nơi anh ở cũng đua nhau tìm hiểu về quang điện và tham khảo kinh nghiệm của anh Bình khi muốn lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.
Việt Nam được coi là quốc gia có tiềm năng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái khi có tổng số giờ nắng là1.400 - 3.000 giờ/năm (thuộc nhóm cao nhất thế giới). Cụ thể, ở miền Nam số giờ nắng trung bình hàng năm là 2.000 - 2.500 giờ, ở miền Bắc là 1.800 - 2.100 giờ.
Theo ông Diệp Bảo Cánh - Tổng giám đốc Công ty CP Mặt trời đỏ: "Nguyên lý của điện mặt trời áp mái là biến quang năng thành điện năng, nên chỉ cần có ánh sáng là có điện, không nhất thiết phải có ánh nắng. Ở miền Bắc, do thời tiết 4 mùa, nhất là vào mùa thu và mùa đông cường độ bức xạ mặt trời thấp, sản lượng điện sẽ giảm nhưng vẫn cao hơn so với nhiều nước châu Âu đang phát triển năng lượng sạch này. Nếu kết hợp đấu nối hiện đại, người dùng vẫn có thể sử dụng điện mặt trời áp mái kết hợp với điện lưới quốc gia. Vì vậy, các hộ gia đình ở miền Bắc vẫn có thể yên tâm lắp đặt điện mặt trời áp mái cho gia đình mình.
Hiện nay, nhờ sự phát triển của công nghệ, chi phí lắp đặt hệ thống điện mặt trời ở Việt Nam đã giảm mạnh. Một hệ thống điện mặt trời áp mái có công suất 2 - 5 kWp (diện tích lắp đặt khoảng 6 - 7 m2) có giá thành khoảng 40 - 100 triệu đồng (tương đương 20 - 25 triệu đồng/kWp).
Bà Tô Lan Phương - Trưởng ban Kinh doanh Tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội (EVNHANOI) cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà, EVNHANOI đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty CP Quốc tế Sơn Hà. Theo đó, khách hàng tại Hà Nội khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nhà trong năm 2020 sẽ được hỗ trợ tiền mặt 2 triệu đồng cho hệ thống có công suất 3kWp và 5 triệu đồng cho hệ thống có công suất 3kWp trở lên; thực hiện thay công tơ 2 chiều và cung cấp dịch vụ bảo trì miễn phí cho hệ thống trong 2 năm đầu.
"Những lợi ích của điện mặt trời áp mái nhà là không phải bàn cãi, ngoài việc tiết kiệm tiền điện háng tháng, điện năng dư thừa khách hàng có thể phát lên lưới bán lại cho ngành Điện, đem lại hiệu quả kinh tế cao", bà Phương nhấn mạnh.
Để khuyến khích người dân sử dụng loại hình năng lượng tái tạo này, ngày 11/4/2017. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp mái tại Việt Nam. Theo đó, giá bán điện từ các nhà máy điện mặt trời, bao gồm cả trang trại điện mặt trời và điện mặt trời áp mái nhà là 2.086 đồng/kWh. Mới đây, ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ phát triển, ký hợp đồng mua điện lâu dài lên đến 20 năm với giá 1.943 đồng/kWh.
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ đầu năm 2020 đến nay, trên toàn quốc đã lắp đặt 9.193 dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất 273,76 MWp. Lũy kế đến nay, cả nước có 31.570 dự án điện mặt trời mái nhà đăng ký bán điện cho EVN với tổng công suất 657,88 MWp, sản lượng điện phát lên lưới là 311,8 triệu kWh.