Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn của thành phố năm 2021 tăng 2,92%, thấp hơn mức tăng trưởng năm 2020 (4,18%). Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, nhất là trong quý III khi hầu hết các ngành, lĩnh vực bị suy giảm mạnh.
Năm 2021, kinh tế Hà Nội tăng trưởng trong gian khó
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, lãnh đạo thành phố cũng thể hiện tính chủ động, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh bên cạnh sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Thành phố đã chuyển sang mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế.
Đặc biệt, quý IV/2021 kinh tế Thủ đô tăng 6,69% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,55%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,04%; khu vực dịch vụ tăng 6,84%. Thực tế này cho thấy sự phục hồi đang trở thành xu hướng rõ rệt.
Năm 2021, thành phố tổ chức hai hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chia sẻ: Thời gian qua chính quyền thành phố đã quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp một cách thiết thực và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Theo Cục Thuế Hà Nội, năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn do ngành thuế quản lý thực hiện là 237.179 tỷ đồng, đạt 109,3% dự toán pháp lệnh. Cục Thuế chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như của thành phố. Đồng thời, tổ chức các hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn bằng hình thức trực tuyến cho 100% doanh nghiệp trên địa bàn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, người nộp thuế.
Tuy nhiên, trong năm 2021, khu vực dịch vụ chỉ tăng 2,71% so với năm 2020 - mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây, nhất là các ngành, lĩnh vực: du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải, xuất nhập khẩu, vui chơi, giải trí.
Tổng vốn đăng ký của các dự án FDI thành lập mới, dự án bổ sung tăng vốn và mua cổ phần chỉ đạt 1,5 tỷ USD. Đây là kết quả nhỏ bé so với tiềm lực tổng hợp, thế mạnh về nhân lực, tài chính, chất xám và nguồn nhân lực của Thủ đô.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội chỉ đạt 16 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm 2020 (năm 2020 giảm 2,2%). Đây là kết quả rất thấp.
Từ kết quả đạt được và mục đích tăng tốc trong năm 2022, thành phố sẽ tiếp tục nắm bắt thông tin, nghe ý kiến và đề xuất từ phía các hiệp hội, nhất là tiếng nói của doanh nghiệp để tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tập trung phục hồi cũng như tạo sự bứt phá.
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh vừa yêu cầu các sở, cơ quan chức năng quyết tâm kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, xây dựng chương trình hành động và thực hiện các giải pháp để phục hồi tăng trưởng ngay từ những ngày đầu năm 2022.