Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội: Quyết sách nhiều vấn đề quan trọng

06/12/2023 08:25

Sáng 5/12, tại Hà Nội, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc kỳ họp thứ 14 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 để thực hiện các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Điểm sáng thu hút vốn FDI đạt 2.874 triệu USD, tăng 62%

Ngày 5/12, HĐND thành phố Hà Nội khóa 16 tổ chức kỳ họp thứ 14 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2023. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, đây là kỳ họp rất quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện năm 2023 và xem xét, quyết định những giải pháp quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, tài chính ngân sách, đầu tư công năm 2024, các cơ chế, chính sách đảm bảo an sinh xã hội, phát triển Thủ đô trong thời gian tới và tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.

Năm 2023, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, Thủ đô Hà Nội phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, tình hình dịch bệnh, thiên tai diễn biến bất thường, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Thành ủy, Ban thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng triển khai quyết liệt các Nghị quyết, kết luận của TW; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới phong cách lãnh đạo theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, quyết liệt tổ chức triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược, thường xuyên quan tâm giải quyết các nhiệm vụ mang tính bức xúc dân sinh...

Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội: Quyết sách nhiều vấn đề quan trọng- Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại kỳ họp

Kinh tế - xã hội năm 2023 của thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, đã hoàn thành và vượt mức 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Các ngành, lĩnh vực đều phát triển khá.

Ước cả năm 2023, GRDP của thành phố tăng 6,27%, thấp hơn kịch bản đề ra nhưng vẫn cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng trên 5%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 150 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 400,4 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm 2022; tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 504,89 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0%; vốn FDI đạt 2.874 triệu USD, tăng 62%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%; lượng khách du lịch đến thủ đô Hà Nội dự kiến đạt 24 triệu lượt khách (20 triệu lượt khách nội địa; 4 triệu lượt khách quốc tế), vượt mục tiêu đề ra (22 triệu lượt khách); lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 4,5% - đạt mục tiêu đề ra (CPI bình quân 11 tháng tăng 1,8%).

Có thể khẳng định, những thành quả đạt được nêu trên là sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thành uỷ; việc cụ thể hoá, thể chế hoá các chủ trương, cơ chế, chính sách của HĐND thành phố; sự điều hành, quản lý, triển khai của UBND thành phố; sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội và sự đóng góp, ủng hộ của cử tri và nhân dân Thủ đô.

Những nội dung của kỳ họp HĐND TP Hà Nội

Theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, dự báo năm 2024 tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp đến cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội. Thành phố tiếp tục xác định chủ đề của năm 2024 là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển".

Tại kỳ họp lần này, ngoài các nội dung đã được đề cập cụ thể trong các báo cáo, tờ trình của UBND thành phố về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu, Bí thư Đinh Tiến Dũng đề cập đến nhiều nội dung.

Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội: Quyết sách nhiều vấn đề quan trọng- Ảnh 2.

Thành phố tiếp tục xác định chủ đề của năm 2024 là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển".

Một là, tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ thảo luận, quyết nghị các nội dung quan trọng của năm 2023 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH, NSNN, đảm bảo QPAN, ASXH và đầu tư công năm 2023 của thành phố; đánh giá các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân để thảo luận kỹ lưỡng. Từ đó phân tích, đặc biệt là dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN và kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố đảm bảo sát với thực tiễn, có tính đột phá, tính hiệu quả, tính khoa học và tính khả thi cao; trong đó cần đặc biệt chú trọng lựa chọn những nhiệm vụ, đề án, dự án có trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2024.

Hai là, đối với các Nghị quyết chuyên đề, cơ chế, chính sách đặc thù: HĐND thành phố đi sâu vào làm rõ các tác động, tính hiệu quả, các giải pháp đột phá, tầm nhìn xa hơn, bảo đảm phù hợp, khả thi để triển khai nhanh, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô về nguồn lực con người, nguồn lực về khoa học và công nghệ, tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo tốt an sinh xã hội.

Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội: Quyết sách nhiều vấn đề quan trọng- Ảnh 3.

Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND thành phố sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu theo Nghị quyết số 96 của Quốc hội

Ba là, cần tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị đầu tư, lập dự án đầu tư, công tác đền bù GPMB, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công; kiên quyết cắt giảm vốn đầu tư cho các dự án không giải ngân được để chuyển bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Đây là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên, liên tục do liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực từ quy hoạch, kế hoạch, tài nguyên, môi trường, tài chính, quản lý đô thị, quản lý y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng.

Do vậy, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tiếp tục thực hiện tăng cường phân cấp, phân quyền, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 07/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ GPMB để xây dựng các công trình trọng điểm.

Đẩy nhanh công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo; đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích văn hoá lịch sử trên địa bàn, rà soát kỹ kế hoạch, hoàn thành chủ trương đầu tư, bố trí và huy động nguồn lực cho 3 lĩnh vực này, trong đó đặc biệt chú trọng đến tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng, bảo tồn và phát huy giá trị gốc của di tích.

Bốn là, phát huy những kết quả đã đạt được, đề nghị HĐND, Thường trực HĐND, các vị đại biểu HĐND thành phố tiếp tục chủ động, tích cực, đổi mới hơn nữa, phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Lựa chọn các lĩnh vực được Thành uỷ tập trung chỉ đạo, những vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri, dư luận quan tâm để làm nội dung giám sát, chất vấn, giải trình nhằm cùng UBND thành phố kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn; cân đối bố trí nguồn lực đầu tư; ban hành các cơ chế, chính sách theo quy định của Luật, phù hợp với thực tiễn, tạo động lực cho sự phát triển chung của thành phố và kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.

Năm là, tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND thành phố sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu theo Nghị quyết số 96 của Quốc hội. Đây là hoạt động giám sát rất quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín, kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Thông qua đó, người được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trong thời gian tới.

Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội: Quyết sách nhiều vấn đề quan trọng- Ảnh 4.

Tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ thảo luận, quyết nghị các nội dung quan trọng của năm 2023 và những năm tiếp theo

Trong quá trình chuẩn bị kỳ họp, Đảng đoàn, Thường trực HĐND thành phố đã ban hành kế hoạch và triển khai các bước chặt chẽ theo quy định của Luật và Nghị quyết của Quốc hội. Đề nghị các đại biểu HĐND thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm cao, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ tiếp tục là một trong những thành công để giúp cho hoạt động của bộ máy nhà nước có những bước phát triển mới, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thành phố có đầy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Sáu là, ngay sau kỳ họp này, UBND thành phố, các cấp, các ngành cần sớm xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các Nghị quyết HĐND thành phố. Trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu năm; đề cao trách nhiệm trước nhân dân trong quản lý, chỉ đạo, điều hành. Đẩy mạnh công tác tư tưởng, tuyên truyền, thống nhất trong nhận thức, hành động, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và những năm tiếp theo.

"Trước mắt, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần quan tâm thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, đặc biệt quan tâm công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, sức khỏe và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là người có công, các đối tượng chính sách xã hội; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, hàng giả, đầu cơ, tích trữ, găm hàng, không để gây bất ổn thị trường, giá cả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để nhân dân đón Tết vui tươi an toàn, lành mạnh, tiết kiệm", Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Nhật Hà