Kiến nghị xây dựng cơ chế cho doanh nghiệp tự chủ vaccine và xét nghiệm y tế

27/09/2021 10:01

Báo cáo của VCCI đề xuất Chính phủ cần nhìn nhận các doanh nghiệp (DN) là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các DN. Tiến tới cho phép DN tự chủ trong cung ứng và lựa chọn vaccine và chủ động trong xét nghiệm y tế.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giải pháp cấp bách, trước mắt là xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới. Bộ Y tế cần có hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo "điểm", theo "phạm vi hẹp".

Bộ Y tế nên hoàn thiện Bộ quy tắc phòng chống dịch và tổ chức huấn luyện cho các địa phương và các DN thực hiện "Y tế tại chỗ" trên cơ sở sử dụng tổ y tế, phòng y tế của DN; tiến hành đánh giá hiệu quả để tiếp tục hoàn thiện/thay đổi các mô hình sản xuất an toàn như “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm” do một số bất cập không thể bền vững trong thời gian dài; đề xuất áp dụng công thức “7K+3T" Trong đó, 7K bao gồm: "Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh" và 3T là: "Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc".

Liên quan đến chiến lược phủ rộng vaccine, VCCI đề nghị chính quyền địa phương có chính sách ưu tiên, hỗ trợ người lao động tiêm vaccine đầy đủ, tạo điều kiện cho lao động di chuyển liên tỉnh để phục vụ công việc.

Đồng thời, vận động các doanh nghiệp (DN) FDI xây dựng cơ chế tương hỗ vaccine giữa công ty mẹ có nguồn vaccine với DN FDI để có thêm nguồn cung vaccine, đảm bảo chuỗi sản xuất; địa phương bảo trợ thủ tục pháp lý, tiêu chuẩn chất lượng vaccine với cơ quan chức năng.

Về lâu dài, xây dựng cơ chế để DN tự cung ứng vaccine cho chính mình dưới sự hỗ trợ, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Sắp tới, khi các nguồn vaccine dồi dào hơn, các địa phương xem xét đề xuất với Chính phủ cho phép có những cơ chế linh hoạt để DN có thể lựa chọn vaccine, những DN có nhu cầu có thể chủ động hơn trong việc tiêm vaccine, chọn loại vaccine được tiêm và chịu chi phí cho việc lựa chọn này.

VCCI cũng đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành văn bản hướng dẫn cho DN tự mua sinh phẩm tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm; cho các tổ chức y tế được phép bán bộ kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh, kiểm soát giá như mặt hàng cần bình ổn giá hoặc được Nhà nước trợ giá theo Luật giá.

Đề nghị các Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện hệ thống “Thẻ xanh COVID-19”, thống nhất sử dụng 1 nền tảng/ứng dụng, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng, trong đó, lưu ý tích hợp/liên thông dữ liệu giữa hệ thống quản lý thẻ xanh trong nước với “hộ chiếu vaccine”, tạo thuận lợi cho đối tượng chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

phuc-1632711598.jpg
Các doanh nghiệp đề nghị được tự chủ trong xét nghiệm COVID-19 cho người lao động

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng DN sáng 26/9, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất một loạt giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng với trạng thái “bình thường mới” trong trung và dài hạn, trong đó, đặc biệt lưu ý các chính sách hỗ trợ phù hợp với đối tượng là hộ kinh doanh cá thể, các DN nhỏ. Các giải pháp được đề xuất bao gồm: Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư công kết hợp cắt giảm những công trình đầu tư công chưa cần thiết; Lộ trình phục hồi và phát triển kinh tế cần xác định việc ổn định và thúc đẩy sản xuất công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ làm trọng tâm; Nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ; Cải thiện hạ tầng logistics cho xuất nhập khẩu, đặc biệt đối với nông thuỷ sản để tăng tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam; Tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ; Xác định phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng; Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa…

Đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng kiến nghị: Càng khó khăn thì các DN và hiệp hội càng phải nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác chia sẻ; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN trên nền tảng số; đóng góp sáng kiến cho Chương trình phục hồi kinh tế.

Ngoài ra, các Hiệp hội cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho DN hội viên và ngành hàng; tăng cường tính liên kết giữa các DN hội viên, hợp tác cùng phát triển.

Ông Dũng cho biết, hiện nay, các bộ, ngành và địa phương đang tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được giao để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Trong số 59 nhiệm vụ, giải pháp liên quan, có 21/59 giải pháp về sửa đổi, ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; 38/39 giải pháp về hướng dẫn, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho DN; 18/59 nhiệm vụ cần hoàn thành trong tháng 9/2021.

Lắng nghe các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mỗi doanh nhân, DN đều thể hiện khát vọng xây dựng đất nước ta bình an và phát triển.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của DN, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang cùng Quốc hội cố gắng đồng hành với DN, trên tinh thần "3 không và 5 thật". "3 không" là "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; "5 thật" là "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và DN được thụ hưởng thành quả thật". Trên cơ sở đó, các bộ ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động xử lý, trên tinh thần áp dụng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể.

Hà Anh