Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước: Nhiều nhưng chưa "chất"

04/05/2020 20:47

Khu vực doanh nghiệp (DN) ngoài Nhà nước có quy mô lớn và phát triển rất nhanh nhưng hiệu quả thấp so với DN FDI và DN Nhà nước. Dù có điểm sáng và được đánh giá là khu vực phát triển năng động nhưng khu vực DN ngoài Nhà nước có nhiều hạn chế cần phải cải thiện trong thời gian tới để thích ứng với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020 do Tổng cục Thống kê công bố mới đây, tại thời điểm 31/12/2018, khu vực DN Nhà nước có 2.260 DN đang hoạt động có kết quả SXKD, chiếm 0,4%, giảm 9,1% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có 1.097 doanh nghiệp, chiếm 0,2% số doanh nghiệp cả nước, giảm 8,9% so với cùng thời điểm năm 2017, trong đó có 1.773 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, chiếm 78,5%; có 51 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, chiếm 2,2%; có 436 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 19,3%).

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 591.499 doanh nghiệp, chiếm 96,9% số doanh nghiệp cả nước, tăng 9,2%, trong đó có 258.722 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, chiếm 43,7%; có 45.308 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, chiếm 7,7%; có 287.469 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 48,6%). Khu vực doanh nghiệp FDI có 16.878 doanh nghiệp, chiếm khoảng 2,7% số doanh nghiệp cả nước, trong đó, có 8.689 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, chiếm 51,5%; có 326 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, chiếm 1,9%; có 7.863 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 46,6%.

Số liệu trên cho thấy, khu vực DN ngoài NN có quy mô và số lượng phát triển rất lớn nhưng hiệu quả thấp so với DN FDI và DN Nhà nước. Đánh giá về điều này, ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp cho biết, khu vực DN tư nhân những năm qua phát triển vượt bậc, đặc biệt là hầu hết chỉ tiêu DN ngoài NN (DN tư nhân, DN dân doanh) chiếm thị phần chi phối tất cả các chỉ tiêu cơ bản, không chỉ đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng GDP của cả nước, mà phần đóng góp vào GDP còn lớn hơn cả DN FDI và DNNN cộng lại. Xu hướng này thể hiện suốt nhiều năm qua và những năm gần đây, thể hiện chủ trương đúng của NN là phát triển mạnh DN trong nước, trong đó phát triển mạnh DN tư nhân với tinh thần phát triển công bằng cho tất cả các loại hình DN. Trong năm qua, DN ngoài NN đã tăng trưởng mạnh, phát triển đúng với kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.

Ảnh minh họa

 

Tuy nhiên, ông Phạm Đình Thúy đánh giá, nhìn chung các chỉ tiêu đánh giá cho thấy doanh thu của DN ngoài Nhà nước chủ yếu phát triển rất nhanh, mạnh, rất rộng, chủ yếu phát triển mạnh về chiều rộng nhưng về thực chất thì năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp hơn hai khu vực DN kia, đặc biệt là thấp hơn khá nhiều so với khu vực DN FDI.

"Điều này cho thấy, thứ nhất khu vực FDI đối với thị trường Việt Nam đã và đang phát triển rất tốt. Việt Nam là đất nước có môi trường gần như tốt nhất khu vực và thế giới, thuộc top đầu có môi trường tốt cho các DN FDI, các nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực và thế giới. Vì vậy, khu vực FDI liên tục tăng trưởng và phát triển bền vững trên thị trường Việt Nam", Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp nói.

Ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp

 

Đối với khu vực DN ngoài Nhà nước, ông Phạm Đình Thúy đánh giá rằng đây là khu vực phát triển năng động nhưng do các DN này hầu hết là quy mô vừa, nhỏ, siêu nhỏ, chủ yếu là trang thiết bị lạc hậu, có thể lạc hậu vài thập hậu, và quy mô quá mô quá nhỏ cả về vốn và lao động. Chính vì vậy, việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến là rất khó. Đa số các DN ngoài Nhà nước chỉ có dưới 10 lao động.

"Có thể nói, vốn và lao động là rất hạn chế, không thể áp dụng KHKT tiên tiến. Do đó, năng suất, chất lượng, kể cả về trình độ năng lực quản lý điều hành cũng còn nhiều hạn chế so với khu vực FDI và DN Nhà nước, khiến hiệu quả thấp", ông giải thích.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, điểm sáng của khu vực DN ngoài Nhà nước là chiếm số lượng lớn 96% DN trong toàn bộ nền kinh tế. Đây là lực lượng sản xuất tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, phù hợp với tình hình kinh tế của chúng ta. DN ngoài Nhà nước ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển DN và nền kinh tế, đáp ứng mục tiêu Nghị quyết của BCH TƯ Đảng là phát triển kinh tế tập thể, kinh tế ngoài Nhà nước.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Tổng cục Thống kê, trong nền kinh tế nước ta phần lớn là DNNVV và trong cơ cấu DN thì phần lớn DN nằm trong khu vực dịch vụ, và trong khu vực dịch vụ thì nằm nhiều ở khu vực bán buôn bán lẻ, đặc biệt là nhà hàng, ăn uống - khu vực DN dễ bị tổn thương. Đặc biệt, trong thời gian gần đây dịch bệnh Covid-19 là minh chứng cho thấy đây là khu vực DN bị ảnh hưởng nặng nề nhất, kéo theo nhiều DN bị đình trệ.

Với những đánh giá trên, ông Phạm Đình Thúy hi vọng, trong thời gian tới, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng trong khi Việt Nam là 1 trong những nước mở cửa sâu rộng, có nền kinh tế mở rất lớn, ký kết nhiều hiệp định quan trọng, chắc chắn DN ngoài Nhà nước sẽ thích ứng được với điều kiện cơ chế để tồn tại và phát triển trong. Họ sẽ phải cải thiện nhiều về năng lực quản lý và đầu tư KHCN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu thị trường trong thời gian tới.

Theo Nguyệt Minh

"https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/khu-vuc-doanh-nghiep-ngoai-nha-nuoc-nhieu-nhung-chua-chat/20200504093117210"