Chiều 14/7/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu thị trường, Tư vấn và Xúc tiến đầu tư bất động sản VARS tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư "Đô thị mới đang được hình thành phía Đông TP. Hà Nội, có thực sự tạo hấp lực cho thị trường bất động sản?".
Dữ liệu nghiên cứu thị trường BĐS Việt Nam quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 của VARS cho thấy, thị trường địa ốc quý 2/2023 với những diễn tiến tích cực hơn quý 1 nhưng vẫn cần thêm các động lực mạnh mẽ hơn để có thể tạo sức bật, giúp thị trường sớm "đảo chiều". Nguồn cung ra thị trường trong quý đạt khoảng 20.000 sản phẩm. Hàng loạt dự án được gia hạn tiến độ, bắt đầu khởi động hoặc tái khởi động,...
Lượng giao dịch trong quý ghi nhận phục hồi nhẹ, đạt khoảng 3.704 giao dịch (xấp xỉ 18% tổng nguồn cung mở bán mới), tăng hơn 30% so với quý trước nhưng vẫn giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm được giao dịch đều là các sản phẩm có chất lượng xây dựng cao, pháp lý minh bạch với giá thành phù hợp.
Trong đó, 80% lượng giao dịch là căn hộ chung cư có pháp lý "sạch", phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín. Phát sinh từ cả các khách hàng mua phục vụ nhu cầu ở thực và cả nhà đầu tư.
Giá BĐS nhà ở thứ cấp, đặc biệt là sản phẩm đất nền trong dân có sự phân hóa theo phân khúc giá. Dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu thực, có giá dưới 2 tỷ đồng/sản phẩm, ghi nhận mức giá tăng khoảng 5-7% so với quý trước, một số khu vực ghi nhận hàng trăm giao dịch thành công. Phân khúc căn hộ chung cư tiếp tục tăng cao với nhu cầu thuê, mua tăng vọt, nhất là ở phân khúc bình dân và trung cấp. Trong khi các sản phẩm cao cấp, đầu tư giá tiếp tục có sự điều chỉnh giảm, 20 - 30% so với đỉnh sốt với tốc độ thanh khoản chậm, đây vẫn là mức giá "cắt lãi" khi mua trực tiếp từ chủ đầu tư của các nhà đầu tư trung, dài hạn.
Tại Hội nghị, các chuyên gia kinh tế, bất động sản cùng nhau đánh giá về các thông tin liên quan đến quy hoạch cũng như hạ tầng giao thông khu vực phía Đông TP Hà Nội.
Đánh giá về tiềm năng của khu Đông Thủ đô, PGS. TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện KT Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng CP cũng nhận định, khu Đông là thị trường đi sau nhưng có lợi thế to lớn về hạ tầng giao thông, quỹ đất, cơ chế để thị trường bất động sản có thể phát triển mạnh mẽ.
Theo ông Thiên, thời điểm mà Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội là lúc khu Tây trở mình phát triển mạnh mẽ. Thời điểm đó, khu vực phía Đông vẫn là vùng "ngăn sông cách trở", đối diện là đồng bằng, chưa được phát lộ. Nhưng đến thời điểm hiện tại, khu Đông đang trên hành trình vươn lên trở thành thị trường nhiều tiềm năng, hứa hẹn sẽ là vùng trũng thu hút đông đảo nhà đầu tư đổ về. Hiện nay, khu Đông đang trên hành trình vươn lên trở thành thị trường nhiều tiềm năng. Đặc biệt, khu Đông đang được ưu ái đẩy mạnh phát triển hạ tầng, huyện Gia Lâm sẽ lên quận vào thời điểm cuối năm.
"Nhận diện một cách thẳng thắn, phía Đông sẽ nhanh chóng tăng tốc trở thành điểm đến lý tưởng trên bản đồ đầu tư tại thị trường BĐS Hà Nội. Tọa độ phía Đông định hình chuẩn mức đô thị hiện đại cho thủ đô, rộng ra là vùng trọng điểm Bắc Bộ và cả nước", PGS. TS Trần Đình Thiên khẳng định.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết trong vòng 5 năm qua, thị trường bất động sản khu vực phía Đông đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, được rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tiếp cận, tìm kiếm cơ hội đầu tư.
"Các dự án đại đô thị chú trọng cảnh quan, môi trường sống gắn liền với tiện ích của cư dân cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng góp phần tạo nên một diện mạo mới, tạo ra sự sôi động cho thị trường bất động sản khu vực phía Đông Thủ đô. Sở hữu nhiều lợi thế để phát triển bất động sản cùng lịch sử tăng giá ấn tượng của các dự án bất động sản đang hiện hữu, khu vực phía Đông sẽ là tọa độ mới của thị trường bất động sản thủ đô trong tương lai", ông Đính nhận định.