Khoảng 200 doanh nghiệp tham gia thí điểm thị trường carbon

18/04/2025 09:16

Trong giai đoạn thí điểm thị trường carbon, dự kiến sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp, thuộc 3 lĩnh vực nhiệt điện, sắt thép và xi măng, được đưa vào tham gia thị trường.

Nhằm chuẩn bị cơ sở khoa học phục vụ quá trình xây dựng và lựa chọn mô hình thiết kế phù hợp cho thị trường carbon tại Việt Nam, ngày 16/4/2025, Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức hội thảo tham vấn “Đánh giá tác động thị trường carbon trong nước trong giai đoạn thí điểm”.

Khoảng 200 doanh nghiệp tham gia thí điểm thị trường carbon- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và hiện đang xem xét ban hành phiên bản sửa đổi, bổ sung.

Lộ trình phát triển thị trường carbon đã được xác định rõ ràng, trong đó năm 2025 sẽ là thời điểm vận hành sàn giao dịch carbon thí điểm đầu tiên. Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính và Đề án thành lập thị trường carbon đã cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch này.

Trong giai đoạn thí điểm, Việt Nam sẽ tập trung vào ba ngành phát thải lớn: nhiệt điện, sắt thép và xi măng, với khoảng 200 doanh nghiệp lớn được lựa chọn tham gia. Từ thực tiễn đó, các chuyên gia đề xuất đánh giá kỹ lưỡng các phương án thiết kế thị trường, đặc biệt là việc xác định tổng hạn ngạch phát thải và cơ chế phân bổ ban đầu. 

Ông Quang cho biết, việc lựa chọn phương án phân bổ (miễn phí, đấu giá hay kết hợp) cần dựa trên cơ sở phân tích tác động toàn diện nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp trong giai đoạn đầu.

Để thị trường carbon vận hành hiệu quả, điều kiện tiên quyết là các doanh nghiệp (sắt thép, nhiệt điện, xi măng) phải đảm bảo tình hình sản xuất. Việc tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh doanh của doanh nghiệp là rất quan trọng. Do đó các phương án ETS đưa ra cần phải đảm bảo hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

Vấn đề sử dụng tín chỉ carbon nội địa để bù trừ phát thải trong hệ thống ETS cũng được đưa ra thảo luận. Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 06, tỷ lệ bù trừ được đề xuất là 30%. Đây được xem là một bước tiến quan trọng, nhưng cũng đòi hỏi cơ chế kiểm soát và tiêu chuẩn rõ ràng để đảm bảo minh bạch, tránh gian lận.

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố then chốt của thị trường carbon là hạ tầng kỹ thuật – bao gồm hệ thống đăng ký quốc gia, sàn giao dịch, và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV). Nhu cầu tăng cường năng lực cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp được xác định là ưu tiên cấp bách trong giai đoạn chuẩn bị.

Từ góc độ quản lý thị trường, hội thảo cũng đặt ra vấn đề thiết kế các cơ chế bình ổn như quỹ dự trữ tín chỉ, giá sàn/giá trần, nhằm hạn chế biến động giá quá lớn trong giai đoạn đầu và bảo đảm tính thanh khoản, minh bạch cho thị trường.

Việc xây dựng một thị trường carbon hiệu quả và công bằng không chỉ là bước tiến trong cam kết ứng phó biến đổi khí hậu mà còn mở ra cơ hội thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Với sự chuẩn bị nghiêm túc từ khung pháp lý đến hạ tầng kỹ thuật, Việt Nam đang từng bước khẳng định quyết tâm và năng lực trong tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và phát triển bền vững.

An Mai (t/h)