Blockchain trong kế toán mới chỉ trong giai đoạn đầu tiên
Theo PGS.TS. Phạm Đức Hiếu, mặc dù kế toán kép đã được áp dụng trong hơn 6 thế kỷ, nhưng ngày nay sự can thiệp của công nghệ đặc biệt là Blockchain và Fintech đã dẫn tới sự ra đời của một kỹ thuật ghi chép kế toán mới: Triple entry accounting – tạm gọi là kế toán 3 chiều hay kế toán 3D.
Blockchain và FinTech đã dẫn tới sự ra đời củakế toán 3D
Kế toán 3D là phương pháp mới có hiệu quả hơn trong cải thiện độ tin cậy và minh bạch của thông tin so với kế toán truyền thống. Kế toán 3D với sự trợ giúp của Blockchain nếu được thiết lập một cách đúng đắn sẽ cải thiện đáng kể chất lượng thông tin kế toán, ảnh hưởng căn bản tới công việc của những người làm kế toán và kiểm toán trong tương lai.
“Kế toán 3D với công nghệ Blockchain là phương thức kế toán mới chứng tỏ hiệu quả hơn trong việc đạt tới mục tiêu minh bạch và gia tăng sự tin cậy đối với thông tin tài chính. Vì vậy, kế toán 3D và Blockchain chắc chắn sẽ ảnh hưởng sâu sắc làm lung lay nền tảng của kế toán 2D đã tồn tại trong hơn 6 thế kỷ qua. Kế toán 3D sẽ là một cấu phần quan trọng của Digital Accounting (kế toán số) và Digital Auditing (kiểm toán số)”, PGS.TS. Phạm Đức Hiếu khẳng định.
Tuy nhiên, chuyên gia Trường Đại học Thương mại cũng cho rằng, cho dù kỷ nguyên số đã bắt đầu, sự thâm nhập hay xâm lăng của công nghệ số là không thể từ chối nhưng Blockchain và ứng dụng Blockchain trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực kế toán, kiểm toán mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên.
Bởi vậy, các trao đổi về kế toán 3D và ứng dụng kế toán 3D trong môi trường Blockchain cần có thời gian nghiên cứu cùng với các thử nghiệm thực tiễn để chứng minh tính ưu việt so với các phương thức kế toán truyền thống.
Cần có sự thừa nhận công cụ Blockchain trong kế toán 3D
Để có thể ứng dụng kế toán 3D và Blockchain vào hoạt động kế toán, kiểm toán, PGS.TS. Phạm Đức Hiếu cho rằng rất cần có các biện pháp đồng bộ trong nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm thực tiễn, tổng kết đúc rút kinh nghiệm.
Cần đẩy mạnh các nghiên cứu về Blockchain và khả năng áp dụng kế toán 3D vào hoạt động kế toán, kiểm toán.
Trong đó, theo ông Hiếu, cần tập trung vào việc tạo sự gắn kết giữa công nghệ thông tin với nghiên cứu và hành nghề kế toán, kiểm toán đảm bảo sự hiểu biết ở mức độ cần thiết đối với các chuyên gia ở cả hai lĩnh vực này về công nghệ và chuyên môn kế toán, kiểm toán.
Đồng thời, đẩy mạnh các nghiên cứu về Blockchain và khả năng áp dụng kế toán 3D. Đẩy mạnh giảng dạy và truyền bá các tư tưởng, mô hình kế toán, kiểm toán mới như là sản phẩm của CMCN 4.0.
Đẩy mạnh gắn kết và số hóa chương trình giảng dạy kế toán, kiểm toán; đặc biệt các học phần thực hành kế toán/kiểm toán trên nền tảng của kế toán số (kế toán ảo) để thực hiện thử nghiệm kế toán 3D. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học trong ứng dụng các nền tảng công nghệ cho học tập, nghiên cứu.
Ngoài ra, cần đổi mới nội dung, chương trình đào tạo kế toán, kiểm toán theo hướng tích hợp giữa chuyên môn kế toán, kiểm toán với kiến thức về công nghệ thông tin, về Blockchain. Gia tăng một cách thích hợp thời lượng cho các học phần về công nghệ thông tin nói chung về Blockchain nói riêng.
“Nên thử nghiệm kế toán 3D cho một số giao dịch thông thường để từ đó chuyển dần và số hóa công tác kế toán theo hướng kế toán 3D với ứng dụng Blockchain cũng như tổ chức tổng kết, đúc rút kinh nghiệm của thực tiễn để có các điều chỉnh kịp thời cho việc ứng dụng này. Đặc biệt, cần có sự thừa nhận của các cơ quan quản lý đối với các công cụ của Blockchain, đối với hợp đồng thông minh, với chia sẻ dữ liệu hay dùng chung sổ kế toán như yêu cầu của kế toán 3D”, PGS.TS. Phạm Đức Hiếu đề xuất.