Đánh giá trên được Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) nêu trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (WEO) số tháng 4/2024 mới đây.
Trong báo cáo trên, IMF vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 5,8%, đồng thời giảm dự báo năm 2025 từ 6,9% xuống 6,5%. Ngoài ra, IMF cũng hạ một loạt dự báo dài hạn của Việt Nam kể từ năm 2025 đến 2029.
IMF cũng dự báo giá tiêu dùng dự kiến sẽ tăng 3,7% trong năm 2024, cao hơn so với kết quả 3,3% của năm ngoái, sau đó giảm xuống 3,4% vào năm 2025. Thặng dư tài khoản vãng lai trong năm 2024 dự báo sẽ giảm đáng kể, xuống 2,3% GDP trong năm 2024, so với mức 5,1% vào năm 2023. Cán cân này sẽ tiếp tục giảm xuống 2% GDP vào năm 2025.
IMF dự báo tỷ lệ thất nghiệp năm 2024 của Việt Nam sẽ nhích nhẹ lên 2,1%, cao hơn 0,1 điểm % so với 2023. Sang 2025, tỷ lệ thất nghiệp sẽ điều chỉnh xuống 2%.
Trước đó, tại Toạ đàm Đối thoại Chính sách quý 1/2024 với chủ đề “30 năm phát triển của Việt Nam: Nhìn lại quá khứ và ứng phó với thách thức mới”, GS.TS Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết Việt Nam đặt mục tiêu trở thành "Quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao với nền công nghiệp hiện đại" vào năm 2030 và "Quốc gia phát triển có thu nhập cao" vào năm 2045.
Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 7% trong 22 năm tới. Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng trưởng xanh và toàn diện hơn, cam kết giảm 30% lượng khí thải mêtan và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, đồng thời đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đặc biệt, mục tiêu phát triển đất nước đặt ra rất cao và khá lạc quan khi đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), Việt Nam nằm trong nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước), Việt Nam thuộc nhóm nước phát triển có mức thu nhập cao.
Về xu hướng phát triển của xã hội trung lưu, Ngân hàng Thế giới World Bank và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam dự báo tầng lớp trung lưu Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, đến năm 2035, sẽ có một tỷ lệ dân số trung lưu là 50% (hiện nay là 16,5%).
Vấn đề là Việt Nam có thể vươn lên từ mức thu nhập trung bình cao đến mức thu nhập cao vào năm 2045 hay không? Đâu là điều kiện để Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình và tiếp tục phát triển bền vững trong hai thập niên tới?
Để tránh bẫy thu nhập trung bình, GS. Trần Văn Thọ đến từ Đại học Waseda (Nhật Bản) gợi ý, ở điểm chuyển hoán mang tính nhảy vọt này, các quốc gia cần các chính sách công nghiệp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực có giá trị gia tăng cao và nỗ lực trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu kinh tế, giai đoạn 2024-2030 là giai đoạn quyết định để Việt Nam chuyển mình thành một nước công nghiệp theo tinh thần của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Đây là thời mốc quan trọng và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho kinh tế nước ta đặc biệt là dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.