Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam Tim Evans cho rằng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế ấn tượng trong những thập kỷ qua, vươn lên trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới xét về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và TOP 20 xét về thương mại.
Những bước tiến này đã đẩy thu nhập bình quân đầu người tăng 43 lần từ 100 USD thời mới cải cách lên 4.300 USD như hiện nay.
Tuy nhiên, thế giới đang thay đổi nhanh chóng với hai xu hướng chính là chuyển đổi số và biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi khả năng thích ứng để đảm bảo phát triển bền vững.
Theo ông Tim Evans, sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đang làm thay đổi toàn bộ cuộc sống và các ngành nghề.
"Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy thương mại điện tử, làm việc từ xa và các dịch vụ trực tuyến khác. Việt Nam có tiềm năng lớn về tiêu dùng số nhờ dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng internet cao và hệ sinh thái thương mại điện tử phát triển mạnh", Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam nói.
Để khai thác tối đa tiềm năng này, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào giáo dục và nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ. Ngoài ra, biến đổi khí hậu vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chiến lược quốc gia về chuyển đổi số và tăng trưởng xanh. Doanh nghiệp cũng đang dần nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi và bắt đầu triển khai các kế hoạch ứng phó. Tuy nhiên, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều đòi hỏi nguồn lực tài chính khổng lồ.
Theo ước tính của Ngân hàng HSBC, Việt Nam cần khoảng 400 tỷ USD để ứng phó với biến đổi khí hậu, chi phí cho chuyển đổi số toàn cầu dự kiến đạt gần 4.000 tỷ USD đến năm 2027.