Mobile Money là dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Dịch vụ Mobile Money được Ngân hàng Nhà nước cấp phép triển khai thí điểm trên phạm vi toàn quốc trong thời gian 2 năm, từ 18/11/2021 đến 18/11/2023.
Sau khoảng thời gian thí điểm ban đầu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 192 về việc gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money đến hết ngày 31/12/2024.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến hết tháng 5/2024, số lượng người sử dụng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam đã tăng 3,3% so với cùng kỳ tháng trước, đạt hơn 8,8 triệu khách hàng.
Trong đó, số lượng khách hàng tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 6,3 triệu khách hàng, chiếm 72% số khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money.
Đến thời điểm hiện tại, trên cả nước hiện có 275.879 điểm chấp nhận thanh toán bằng Mobile Money, tăng 9,56% so với tháng 4/2024. Tổng số lượng các giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán) bằng Mobile Money là hơn 119 triệu giao dịch, tăng 8%; tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.462 tỷ đồng, tăng 7%.
Việc triển khai thí điểm Mobile Money là một chủ trương lớn của ngành Thông tin và Truyền thông nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là tại các khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo, những nơi người dân không tiếp cận được với các điểm giao dịch ngân hàng.
Khác với các ví điện tử thông thường, Mobile Money cung cấp cho người dùng một tài khoản gắn liền với thuê bao di động mà không cần đến tài khoản ngân hàng. Tài khoản này tương tự như tài khoản viễn thông, nhưng được phép sử dụng để chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, hàng hóa hợp pháp tại Việt Nam.
Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công Mobile Money. Chẳng hạn như mô hình M-PESA (Kenya) sở hữu 30 triệu khách hàng, giá trị giao dịch đạt 78.8 tỷ USD, nâng tỷ lệ người dân được tiếp cận dịch vụ tài chính tới gần 83%.