Hơn 180 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã tiêm, Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng chưa?

14/02/2022 09:54

Theo các chuyên gia y tế, với tỷ lệ bao phủ vắc-xin hiện nay thì cơ bản chúng ta đã đạt miễn dịch cộng đồng.

Hơn 180 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã tiêm, Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng chưa?

Theo thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến 14h30 ngày 11/2, cả nước đã tiêm tổng cộng 184.868.879 liều vắc-xin phòng Covid-19. 

Ngoài ra, 53/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 10/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 82% - dưới 90%.

Số vắc-xin phòng Covid-19 tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.373.213 liều, trong đó mũi 1: 8.462.277 liều; mũi 2: 7.910.936 liều.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng trường Đại học Y Dược TP.HCM, với số lượng người đã tiêm vắc-xin như hiện tại thì "dự báo miễn dịch cộng đồng về cơ bản đã có". Theo PGS Dũng, dù số ca lây nhiễm sau Tết có thể gia tăng nhưng về cơ bản xu hướng mắc sẽ giảm trong thời gian tới.

PGS Dũng nói điều quan trọng nhất để giảm dịch bệnh là thực hiện 5K. Nếu mọi người không thực hiện 5K thì số ca mắc sẽ tăng theo cấp số nhân giống như ở Hoa Kỳ hay các nước Châu Âu khác... Hơn nữa, khi có biến chủng mới Omicron với tốc độ lây lan nhanh thì việc đảm bảo 5K càng quan trọng hơn.

PGS Dũng nhấn mạnh dù đạt miễn dịch cộng đồng nhưng vẫn không thể quay về thời chưa Covid-19 như 3 năm trước.

Hơn 180 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã tiêm, Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng chưa? - Ảnh 1.

Nhiều địa phiowng có tỷ lệ tiêm vắc-xin đạt trên 90 %

BS Trương Hữu Khanh – Phó chủ tịch thường trực – liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết miễn dịch cộng đồng là yếu tố quan trọng với tất cả các bệnh truyền nhiễm và chỉ có miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vắc-xin hoặc mắc bệnh tự khỏi mới giúp dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, BS Khanh lưu ý mọi người cần hiểu đúng miễn dịch cộng đồng là để giảm lây lan. Nếu trước đây 1 người mắc có thể lây cho 5 – 10 người thì khi đạt miễn dịch cộng đồng, người bệnh lây cho ít người hơn. Người bệnh khi mắc Covid-19 cũng không còn triệu chứng nặng, không còn nguy cơ phải nhập viện. BS Khanh cho rằng miễn dịch cộng đồng không phải là 'Zero Covid-19'.

Do đó, mọi người vẫn nên đeo khẩu trang, rửa tay để phòng bệnh. Mọi người không nên lơ là trong công tác phòng chống dịch, dù đã tiêm mũi 3, BS Khanh khuyến cáo. Kể cả khi đã tiêm mũi 3, nếu trở thành F0 thì bạn có khả năng phát tán virus và vô tình phát tán cho người chưa tiêm phòng, người có nguy cơ, từ đó làm tăng gánh nặng cho cơ sở y tế.

Nhận xét về làn sóng dịch sau Tết nguyên Đán, BS Khanh cho biết trong làn sóng dịch thứ 4 chúng ta chưa có sự chuẩn bị, chưa hiểu được biến thể Delta, chưa có vắc-xin, thuốc điều trị, hệ thống cơ sở y tế nên mới đáng lo ngại. Nhưng làn sóng sau Tết này khác với làn sóng trước đó. Nếu địa phương đã phủ vắc-xin tốt thì không đáng lo, chúng ta cũng đã xây dựng được phác đồ điều trị và người dân cũng đã biết cách xử lý tốt khi mình trở thành F0.

Thời điểm này, mọi người nên tiêm mũi 3 càng sớm càng tốt, bạn phải khuyên người thân chưa tiêm vắc-xin đi tiêm phòng để phòng yếu tố nguy cơ cho họ, theo BS Khanh. Khi ra ngoài, bạn cần hoà nhập an toàn, chỉ mở khẩu trang khi cần thiết và nên rửa tay thường xuyên.

Ngọc Anh