Hội VDCA kiến nghị tháo gỡ khó khăn về thuế với ngành sáng tạo nội dung số

13/06/2023 08:31

Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) vừa gửi văn bản kiến nghị lên Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông "Kiến nghị tháo gỡ một số vướng mắc về chính sách thuế đối với ngành sáng tạo nội dung số".

20.000 người kiếm tiền từ nền tảng MXH, doanh thu ngoại tệ tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng

Theo số liệu từ Hội Truyền thông số Việt Nam tính đến tháng 01/2023, nước ta có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% tổng dân số, tăng 5,3 triệu so với năm 2022. 

Số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu kết nối, tương đương với 164,0% tổng dân số, tăng 4,7 triệu so với năm 2022. Số người sử dụng mạng xã hội là 70 triệu người tương ứng với 71% dân số Việt Nam, trong đó 68% trên 18 tuổi sử dụng mạng xã hội. 

Hội VDCA kiến nghị tháo gỡ khó khăn về thuế cho cá nhân, doanh nghiệp nội dung số  - Ảnh 1.

Một lượng lớn nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp sáng tạo. Ảnh minh hoạ Internet

Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam còn có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh và tính sáng tạo cao nên Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển Ngành sáng tạo nội dung số. Hiện nay có nhiều trường tham gia đào tạo thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện tại Việt Nam như: Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Đại học FPT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Kinh doanh và Công nghệ, Đại học Hữu Nghị, Đại học Hà Nội, Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Cao đẳng Truyền hình,...

Sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới đã mở ra một thế giới phẳng, cho phép các Nhà sáng tạo nội dung số ("Digital Creator" hoặc "Digital Content Creator") tiếp cận với công chúng một cách dễ dàng hơn. 

Tại Việt Nam có 66,2 triệu người dùng Facebook; 63 triệu người dùng YouTube; 10,3 triệu người dùng Instagram; 49,86 triệu người dùng TikTok, với khoảng 2 triệu thuê bao Netflix, cùng với hàng chục các nền tảng giải trí trực tuyến xuyên biên giới như: Spotify, Apple Music, Amazon Music… 

Một lượng lớn nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp sáng tạo: 60% YouTuber Việt Nam dưới 25 tuổi, trong đó 42% dưới 18 tuổi; 70% YouTuber bắt đầu sản xuất nội dung khi còn là học sinh, sinh viên.

Sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của các nền tảng số xuyên biên giới như Facebook, TikTok, YouTube,… với hàng tỷ người dùng trên toàn cầu đã tạo ra một thị trường tiêu dùng nội dung số khổng lồ. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam đã bắt kịp xu hướng này sản xuất nhiều nội dung có giá trị, phát hành xuyên biên giới, gây được tiếng vang trên toàn cầu. Hàng vạn lao động trẻ người Việt Nam đã và đang tham gia, kinh doanh kiếm tiền trên các nền tảng xuyên biên giới, hàng năm mang về lượng kiều hối hàng triệu USD.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế năm 2022, chỉ tính riêng trên YouTube số người Việt Nam kiếm tiền từ nền tảng mạng xã hội lên tới 20.000 người và mang về một khoản doanh thu ngoại tệ tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng. Việt Nam hiện có gần 500 kênh YouTube đạt nút vàng (hơn 1 triệu người đăng ký và 8 kênh đạt nút kim cương (trên 10 triệu lượt đăng ký).

4 ngành nghề kinh doanh nội dung số kiếm bộn tiền

Theo thống kê, hiện nay, có 4 ngành nghề kinh doanh nội dung số, kiếm tiền nhanh trên các nền tảng xuyên biên giới mà các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam tham gia với số lượng nhân lực đông đảo.

Hội VDCA kiến nghị tháo gỡ khó khăn về thuế cho cá nhân, doanh nghiệp nội dung số  - Ảnh 2.

Phim hoạt hình của Sconnect là 1 trong 10 công ty hàng đầu về sản xuất phim hoạt hình và kinh doanh trên nền tảng xã hội

Thứ nhất, sản xuất nội dung và kiếm tiền trên các nền tảng miễn phí: YouTube, Facebook, TikTok và nhiều nền tảng xuyên biên giới khác.

Thứ hai, kinh doanh trên các nền tảng âm nhạc trực tuyến: Spotify, Apple Music, Amazon Music và khoảng 52 nền tảng nhạc số khác.

Thứ ba, bán hình ảnh, tranh, bản vẽ thiết kế, hình ảnh - video 2D - 3D, giáo dục trực tuyến… trên các nền tảng trực tuyến toàn cầu.

Thứ tư, Game online phát hành trên Apple Store và CH Play cũng như các nền tảng số của các quốc gia khác…

"Do là ngành nghề kinh tế mới, có mô hình kinh doanh khác hẳn với các ngành kinh tế truyền thống, đặc biệt mặt hàng kinh doanh là nội dung số được phân phối xuyên biên giới cho đối tượng người tiêu dùng tại nhiều quốc gia, nên ngành sáng tạo nội dung số, kiếm tiền trên các nền tảng xuyên biên giới (ngành MMO - Make Money Online) đang gặp phải một số vướng mắc không nhỏ trong quá trình phát triển, trong đó có chính sách thuế", đại diện Hội truyền thông số phân tích.

3 kiến nghị gỡ khó khăn về thuế

Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội truyền thông số nêu ra nhiều điểm bất cập về chính sách thuế đối với các ngành nghề kinh doanh nội dung số, kiếm tiền nhanh trên các nền tảng xuyên biên giới mà các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam tham gia với số lượng nhân lực đông đảo. 

Đại diện VCDA đưa ra ví dụ: Theo chính sách của YouTube, các nhà sáng tạo nội dung ở các quốc gia ngoài Mỹ thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế của Mỹ sẽ chịu khấu trừ 30% thuế thu nhập cho các lượt xem đến từ Mỹ; còn các lượt xem từ các quốc gia khác YouTube không khấu trừ thuế. 

Chính sách của YouTube cũng quy định, các nhà sáng tạo nội dung từ các quốc gia ngoài Mỹ không thực hiện đăng ký thuế tại Mỹ sẽ bị khấu trừ 24% thuế thu nhập cho tổng lượt xem toàn cầu. (Chính sách này nhằm khuyến khích YouTuber đăng ký thuế tại Mỹ)

Khi dòng tiền về đến Việt Nam, nhà sáng tạo cá nhân phải nộp thêm 7% (bao gồm 5% VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân). Còn tổ chức/doanh nghiệp kinh doanh trên YouTube phải đóng khoản thuế là 30% (bao gồm 10% VAT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp). 

Đặc biệt, với thuế GTGT theo quy định hiện hành đánh thuế 10% trên doanh thu nhận về của doanh nghiệp. Điều này không phù hợp với nguyên tắc điểm đến, tiêu dùng ở đâu, đánh thuế ở đấy với sắc thuế GTGT.

Như vậy có thể thấy, các doanh nghiệp/cá nhân hoạt động trên YouTube tại Việt Nam đang phải chịu 2 lần thuế đối với khoản doanh thu từ lượt xem tại Mỹ (do phía Mỹ đã thu thuế), bản chất là các doanh nghiệp/cá nhân đang bị nộp thuế chồng thuế.

Từ những bất cập này, VDCA đưa ra 3 kiến nghị gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét áp dụng chính sách thuế phù hợp đối với cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nội dung số trên các nền tảng quốc tế.

Thứ nhất, VDCA kiến nghị nghị áp dụng nguyên tắc tránh đánh thuế 2 chiều với các nguồn thu nhập từ các quốc gia đã ký kết Hiệp định với Việt Nam đối với các tổ chức/cá nhân kinh doanh nội dung số trên các nền tảng toàn cầu. Kiến nghị Chính phủ thúc đẩy để Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ sớm được thực thi.

Thứ hai, đối với các nội dung số sản xuất kinh doanh phục vụ cho thị trường nước ngoài, cho người xem nước ngoài, VDCA kiến nghị áp dụng thuế suất VAT là 0% (VAT 0% với cả cá nhân và doanh nghiệp). Với thu nhập từ lượt xem tại Việt Nam: Cá nhân áp dụng VAT 2%, thuế TNCN 1%; Với doanh nghiệp VAT là 10% (theo Thông tư 40/2021/TT-BTC).

Thứ ba, VDCA kiến nghị Nhà nước xem xét để hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số với các chính sách ưu đãi về: Thuế, ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ đào tạo nhân lực,… tương tự như ưu đãi đối với thuộc lĩnh vực phần mềm và công nghệ cao. Cụ thể, sản phẩm thuộc ngành phần mềm và công nghệ cao đang được ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% trong 9 năm, cùng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư khác.

Ngoài 3 ý kiến cụ thể nêu trên, VDCS nêu 8 vướng mắc về thuế của cá nhân, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực MMO (ngành Make Money Online) để được giải đáp và từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân phát triển kinh doanh, đúng với quy định của pháp luật.

Thanh Thủy