Trong đó, Bộ Công Thương đóng vai trò chủ trì điều phối, với mục tiêu góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Thân, cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại sẽ đi cùng với khó khăn, thách thức và khi thực thi hiệp định, doanh nghiệp phải đối mặt. Để tận dụng tối đa các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, đồng thời thực thi một cách nghiêm chỉnh các quy định của hiệp định, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến trình cải cách các thủ tục hành chính.
Cùng với đó, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách; tăng cường công tác tuyên truyền về nội dung của hiệp định và hướng dẫn thực hiện các nội dung cam kết, các quy định nêu trong hiệp định. Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh khẳng định: “Đối với Hiệp định EVFTA, lần đầu tiên chúng ta đạt tới tỷ lệ ưu đãi cao nhất trong số các đối tác thương mại của Việt Nam. Theo đó, trong 7 năm đầu tiên khi thực thi hiệp định, việc cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng sản phẩm của Việt Nam sang EU lên tới 97%. Khi đó, điều kiện và năng lực cạnh tranh của chúng ta sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong bối cảnh chung của thế giới mới vẫn đang tiếp tục toàn cầu hóa; đồng thời đang phải đối mặt với rất nhiều biểu hiện của bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đơn phương trong các quan hệ thương mại và hệ thống chính trị toàn cầu”.
Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế (tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU). Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế (tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam). Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau lộ trình ngắn (7 năm). Do đó, có thể coi đây là cơ hội rất lớn cho các DN Việt Nam khi mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU và ở chiều ngược lại, các DN EU cũng có cơ hội tương tự. Đối với những cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu của EU trong Hiệp định EVFTA, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái cho biết, hiện nay, EU dành cho Việt Nam thuế nhập khẩu ưu đãi theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (gọi tắt là GSP). Đây là chương trình EU hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển xuất khẩu hàng hóa sang EU. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, Hiệp định EVFTA có quy định về mối quan hệ giữa thuế suất theo hiệp định này và thuế suất trong Chương trình GSP mà EU đang dành cho Việt Nam. Cụ thể, Hiệp định EVFTA quy định thuế suất ưu đãi của EU theo hiệp định trong bất kỳ trường hợp nào không được cao hơn mức thuế mà EU áp dụng cho hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam trước ngày hiệp định có hiệu lực. Nghĩa vụ này, áp dụng từ ngày đó tới năm thứ 7, sau khi hiệp định có hiệu lực.
Ông Thái cho rằng, trong thời gian tới, nếu được đưa vào thực thi, Hiệp định EVFTA sẽ là “cú hích” quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường hơn 500 triệu dân này. Với các kết quả đàm phán đã đạt được, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA, chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU một cách toàn diện và sâu sắc hơn trong thời gian tới. Tận dụng tối đa lợi thế... Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Cần Thơ, bà Nguyễn Mỹ Thuận băn khoăn: "Khi họ (doanh nghiệp châu Âu) vào thì liệu rằng, có dẫn tới xu hướng thâu tóm một số ngành công nghiệp chủ yếu của Việt Nam? Điều này, có lợi hay hại gì cho Việt Nam và doanh nghiệp cần chuẩn bị ra sao để không đánh mất mình"... Lo lắng này, nhận được sự chia sẻ từ đại diện một doanh nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ tại TP. HCM. Đại diện doanh nghiệp này cho rằng, dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn tới sự chuyển dịch đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ các tập đoàn đa quốc gia.
Xu hướng đó, cũng có thể dẫn tới điểm bất lợi “DNNVV có thể bị "nuốt chửng" trước sự đổ bộ ồ ạt của các công ty đến từ Mỹ, EU, Nhật”... Ông Nguyễn Văn Thân đánh giá, sức ép mua bán, sáp nhập (M&A) sẽ giúp doanh nghiệp trong nước, nhất là khu vực DNNVV "lớn" lên. Hiệp định EVFTA, là “sân chơi” thương mại giữa Việt Nam và thị trường quy mô 18.000 tỷ USD nên "không thể tránh khỏi sẽ có người thắng, người thua".
Tuy nhiên, ông Thân nhìn nhận: "doanh nghiệp, nếu chỉ lo sợ bị thâu tóm mà không đổi mới mình, sẽ khó trụ vững trong bối cảnh hội nhập mới. Ngoài tinh thần cầu thị, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy mới mang lại thành công". Theo Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, việc thực thi Hiệp định EVFTA là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các DNNVV tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và cạnh tranh. Một số DN xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ nội thất, thủy sản... có quy mô lớn và kinh doanh bài bản có cơ hội thâm nhập thị trường EU.
Cũng theo ông Hải, rất nhiều DN đang xuất khẩu vào EU là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa có sự đầu tư thích đáng cho R&D, chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu, thiếu nhân lực có trình độ ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại chuyên nghiệp để thực hiện hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU. Vì vậy, thời gian tới, một trong những nhiệm vụ các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay đó là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố năng lực cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Các doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú nhìn nhận, EU là thị trường lớn, đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường…, trong khi không phải DN nào cũng đáp ứng được các yêu cầu. Khó khăn tiếp theo đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường EU là rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, cũng như hiểu biết hạn chế đối với các quy định tại thị trường này. Do đó, các thị trường đầu tàu truyền thống như Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ... được coi là “cửa ngõ” - giúp lan tỏa đi các nước khác trong khối EU. Các doanh nghiệp cần tiếp tục khai thác dư địa, tận dụng tối đa những cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại nhằm mở rộng thị phần, phát huy lợi thế cạnh tranh của mình.
Theo Trang Nguyễn
"https://thuonghieucongluan.com.vn/hiep-dinh-evfta-cam-ket-uu-dai-thue-cao-nhat-co-hoi-lon-cho-doanh-nghiep-viet-a109731.html"