Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, một trong 7 nội dung Hà Nội cần chú trọng đó là xác định vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường các sông, hồ, không khí..., quy hoạch các khu xử lý rác thải, chất thải rắn bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả là yêu cầu cấp bách, cần tập trung, ưu tiên thực hiện.
Đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và các đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua Sông Hồng để mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông; quan tâm hệ thống giao thông kết nối vùng và quốc tế, bao gồm cả đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, hàng không.
Phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, đường sắt đô thị gắn với lộ trình, cơ chế, chính sách đột phá đối với chuyển đổi giao thông xanh. Đồng thời, giải quyết căn bản vấn đề về nước sạch, xử lý nước thải, xử lý dứt điểm vấn đề úng, ngập.
Có lộ trình và cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch; chuyển các trường đại học, trụ sở các cơ quan, trụ sở các doanh nghiệp lớn ra ngoài khu vực nội đô; có phương án mở rộng không gian phát triển sang phía Bắc Sông Hồng; đồng thời tiến hành cải tạo, tái thiết đô thị để nâng cao chất lượng, điều kiện sống, an toàn cho người dân.
Chuyển đổi công năng trụ sở một số bộ, ngành, doanh nghiệp lớn để ưu tiên xây dựng các bảo tàng, đặc biệt là Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung tâm chính trị Ba Đình; các không gian văn hoá, sáng tạo, không gian công cộng, công viên cây xanh...
Xây dựng mô hình quận xanh, sinh thái thành hình mẫu tiêu biểu của cả nước; tăng cường thêm các hành lang xanh, nêm xanh, thảm xanh để tăng diện tích đất xanh, không chỉ ở khu vực ngoại thành mà cả trong khu vực nội thành, đặc biệt xanh hoá ở khu vực nội đô lịch sử. Phát triển hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, coi đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội bứt phá trong thời kỳ tới.
Hà Nội cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện giải pháp tổ chức thực hiện các quy hoạch, nhất là giải pháp khai thác, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển như mở rộng không gian phát triển thông qua xây dựng vành đai 4, vành đai 5 và các trục phát triển để khai thác hiệu quả quỹ đất; khai thác hiệu quả hơn nữa không gian trên cao và không gian ngầm; đẩy mạnh chuyển đổi số, số hoá các quy hoạch, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, hình thành nguồn tài nguyên số.
Nhấn mạnh rõ hơn các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hài hoà đô thị và nông thôn hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cả khu vực đô thị và nông thôn. Kế thừa định hướng quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và các thành phố trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái; phát triển đô thị theo mô hình TOD, xanh, thông minh, hiện đại, bản sắc, tạo động lực phát triển, hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước.
Xây dựng mô hình đô thị thành phố đặc trưng trong Thủ đô với các điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển mới; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu vực nội đô theo hướng xanh, văn minh, hiện đại.
Ngoài ra, Hà Nội cần xây dựng các khu vực nông thôn với các tiêu chí tiệm cận với tiêu chí của đô thị; xây dựng các làng nghề thành không gian văn hoá phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; phát triển mô hình du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp.