Gói giải pháp “phi tài chính” sẽ cải thiện môi trường kinh doanh?

12/02/2022 09:09

Dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro. Gói giải pháp “phi tài chính” được doanh nghiệp kỳ vọng là việc cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, thuận lợi và an toàn.

Môi trường kinh doanh sẽ tác động đến cách thức vượt qua đại dịch và mức độ tận dụng cơ hội này của các doanh nghiệp. Bởi cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng và thuận lợi là yếu tố cơ bản không thể thiếu để doanh nghiệp phục hồi kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững.

Đây là thời điểm doanh nghiệp càng cần hơn sự vào cuộc của các bộ, ngành trong cải cách quy định, thủ tục, dỡ bỏ rào cản để doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

bat-dong-san-tinh-nao-hot-nhat-trong-nhung-ngay-dich-1627598387-1644625710-1644631749.jpg
Cần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Ảnh minh họa internet

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: “Cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và an toàn được xác định là giải pháp “phi tài chính” có ý nghĩa đối với doanh nghiệp để thích ứng và phục hồi sau đại dịch. Đây là giải pháp đem lại hiệu quả dài hạn, bền vững và được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ”.

Do đó, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2022 vừa được ban hành sẽ tạo ra những áp lực để tạo ra những thay đổi cần thiết từ chính “nội bộ” nền kinh tế để tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế bên ngoài. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Theo đại diện của CIEM, điểm khác biệt của Nghị quyết 02 năm nay so với Nghị quyết 19 hay 02 trước đây là ở các nhóm giải pháp trọng tâm và chi tiết hơn. Một số nhóm chỉ tiêu trước đây Việt Nam rất yếu như quyền tài sản hay các chỉ số liên quan đến phát triển bền vững cũng đã được đưa vào bản Nghị quyết này.

Nghị quyết cũng mở rộng hơn các nhóm giải pháp đã được thực hiện trong các Nghị quyết trước về cải cách điều kiện kinh doanh. Đó là cùng với việc rà soát danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để nhận diện những bất cập của điều kiện kinh doanh, Nghị quyết sẽ rà soát danh mục đầu tư có điều kiện để nhận diện “gốc rễ” của vấn đề.

phi4-1644631773.jpg
Cần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực là thế mạnh xuất khẩu. Ảnh minh họa internet

 

“Nghị quyết 02 cũng đề ra những giải pháp về cải cách thủ tục hành chính gắn với phân cấp và trao quyền nhiều hơn cho địa phương thông qua cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm. Hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành tiếp tục được đẩy cao hơn một bước nhằm đạt được cùng mức với các quốc gia trong khu vực cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, bà Nguyễn Minh Thảo thông tin thêm.

Bà Nguyễn Minh Thảo nhận định: "Để tạo ra sự thay đổi cần có sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục và áp đặt từ Chính phủ nhằm tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, nếu không sẽ dẫn tới tình trạng tôi cứ làm còn đạt được hay không thì không quan trọng. Để có được áp lực mạnh mẽ như vậy, cần nhiều cơ quan, tổ chức tham gia giám sát quá trình này. Sự giám sát rất đa dạng có thể đến từ các cơ quan nghiên cứu độc lập, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông và các tổ chức quốc tế. Áp lực cần được tạo ra thường xuyên, cần nói đến nhiều lần, nhiều nơi một cách chi tiết và cụ thể”.

Theo bà Thảo, bản thân các bộ ngành cũng cần thường xuyên đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tạo cho các lãnh đạo bộ ngành nhận biết được những vấn đề tồn tại, những rào cản để họ thay đổi từ bên trong. Nếu tổng hòa các giải pháp này thì sẽ loại bỏ được những rào cản.

Q.N