Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 nhằm chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập tỉnh Hậu Giang (01/01/2004 - 01/01/2024), với chủ đề "Phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững". Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo, từng bước hướng đến sản xuất lúa hữu cơ, lấy tăng trưởng xanh làm nền tảng, đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL.
Với chủ đề "Hành trình trăm năm lúa gạo Việt", Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 diễn ra từ ngày 11-15/12/2023 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh và các tuyến đường trong Khu hành chính UBND tỉnh với nhiều hoạt động thú vị.
Vào 20h ngày 12/12, tại Quảng trường Hòa Bình, phường 5, TP. Vị Thanh, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức khai mạc Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Từ ngày 11/12/2023 đến ngày 03/01/2024 tại Bờ kè kênh xáng Xà No sẽ diễn ra khu Triển lãm "Con đường lúa gạo Việt Nam".
Ngày 13/12, tại khu ẩm thực, con đường lúa gạo Việt Nam, vào lúc 14 giờ, Tổ chức kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận kỷ lục Guiness Việt Nam về con đường lúa gạo tái hiện mô hình từ trồng lúa sơ khai đến ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất lúa; công nhận kỷ lục Việt Nam về bản đồ lúa gạo đặc sản Việt Nam.
Từ ngày 11-18/12, diễn ra các hoạt động triển lãm: thành tựu kinh tế - xã hội, sản xuất lúa gạo Hậu Giang và các tỉnh, thành phố cả nước với 126 gian hàng; khu triển lãm chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo với 120 gian hàng; 70 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm lúa gạo, lúa nếp, giống lúa chất lượng cao và các công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm được tổ chức tại khu triển lãm "Lúa gạo Việt - Thương hiệu Việt - Tự hào của người Việt"; triển lãm "Lúa gạo Quốc tế; Không gian triển lãm "Nông nghiệp số - Nền tảng phát triển bền vững"; Triển lãm Nông nghiệp xanh - Công nghệ sạch; triển lãm của "Ngân hàng phục vụ sự phát triển bền vững nông nghiệp - nông thôn và xây dựng nông thôn mới"; triển lãm ngành du lịch và khu ẩm thực món ngon Nam bộ.
Ngoài ra, tại Festival, tỉnh Hậu Giang còn tổ chức các Hội thi: "Món ngon từ Gạo - Nếp Việt Nam" diễn ra vào lúc 15h, ngày 13/12; Nhà Nông trẻ chuyên nghiệp tỉnh Hậu Giang diễn ra vào lúc 8h ngày 14/12 và Hội thi "Món ngon Nam bộ", được tổ chức lúc 14h ngày 14/12.
Bên cạnh đó, từ ngày 11-14/12, UBND tỉnh Hậu Giang còn tổ chức Famtrip tham quan các điểm du lịch cộng đồng, làng nghề, di sản, di tích lịch sử - văn hoá, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP; tham quan một số nhà máy xây xát, chế biến gạo tại Hậu Giang; thăm các dòng sông, miệt vườn gắn liền với văn hoá lúa nước và vựa lúa ĐBSCL; khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điểm du lịch nông nghiệp.
Bên cạnh Festival, Hậu Giang tổ chức Trình diễn công nghệ cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm tại ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy vào lúc 7h30, ngày 12/12. Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững được diễn ra vào lúc 14h, ngày 12/12 tại Hội trường 1, Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang với khoảng 400 đại biểu tham dự.
Cũng tại Hội trường 1, Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang vào lúc 8h ngày 13/12, sẽ diễn ra Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững với khoảng 250 đại biểu tham dự; và cùng giờ tại Hội trường 2 sẽ diễn ra Hội thảo khoa học: Hội thảo Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới.
Vào lúc 14h chiều ngày 13/12, tại Hội trường 1 sẽ diễn ra Hội thảo Quốc tế Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo về lúa gạo với sự tham dự của 350 đại biểu. Song song đó, UBND tỉnh Hậu Giang cũng tổ chức khoảng 500 gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP; ẩm thực các món ngon từ gạo; giới thiệu các loại máy, thiết bị bay phục vụ sản xuất lúa…
Festival cũng là dịp để giới thiệu những thành tựu kinh tế, văn hóa xã hội, kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh đến với bạn bè quốc tế. Thông qua các hoạt động tại Festival, tạo điều kiện để các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và người nông dân có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức sản xuất mới, các công nghệ mới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng; đáp ứng yêu cầu số hóa ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thông minh, bền vững. Từ đó, tạo những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp yêu cầu của xu thế quốc tế mới.
Đồng thời, hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên phạm vi cả nước giới thiệu, quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông lâm thủy sản uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam nói chung và nông sản Hậu Giang nói riêng, trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực và tiềm năng.