Những diễn biến khó lường
Bộ Công Thương vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về kết quả XK gạo năm 2019 và định hướng 2020.
Theo đó, diễn biến của dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đa chiều tới tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam. Phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và có thể còn lan tỏa lâu dài.
Bộ Công Thương cho biết, thị trường toàn cầu chưa có dấu hiệu khởi sắc do dịch bệnh tại Trung Quốc lan rộng. Diễn biến của dịch Covid-19 là nguyên nhân tác động đến khả năng XK gạo và khả năng, nhu cầu, thời điểm NK gạo của Trung Quốc trong năm 2020. Nhu cầu từ Trung Quốc (cả NK và XK) sẽ tác động đến giá trị cả thị trường thế giới, cũng như giá cả trong nước.
Mặt khác, do lo ngại dịch Covid-19 nên nhiều hãng tàu không nhận đơn vận chuyển và nhiều giao dịch đều được yêu cầu chuyển cảng nhận hàng, điều này sẽ làm phát sinh chi phí vận chuyển.
Bên cạnh đó, tại thị trường Philippines, với động thái tiến hành đánh giá lại hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đối với gạo xay xát NK vào Philippines và cử đoàn đánh giá làm việc tại Việt Nam, sẽ tạo ra không ít tác động đến tâm lý của thị trường gạo Việt khi Philippines là thị trường truyền thống, hàng năm có nhu cầu NK lớn từ Việt Nam.
Việc tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh của các thương nhân kinh doanh XK gạo còn hạn chế do tính rủi ro cao của ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, biến động khó lường của thị trường và không có trước hợp đồng XK gạo. Điều này, gây khó khăn cho các DN trong việc thu mua thóc, gạo cho người nông dân, cũng như tái cơ cấu lại hoạt động nhằm thích ứng với những biến đổi của thị trường.
Cơ hội từ các thị trường
Bên cạnh khó khăn, theo Bộ Công Thương, XK gạo của Việt Nam trong cả năm nay cũng có những yếu tố thuận lợi.
Theo báo cáo ngày 13/2/2020 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), lượng gạo sản xuất toàn cầu niên vụ 2019/2020 ước khoảng 496,7 triệu tấn (gạo đã xay xát), giảm 1,7 triệu tấn so báo cáo tháng 12/2019 của cơ quan này. Dự báo sản lượng gạo của Thái Lan niên vụ 2019/2020 đạt 18,5 triệu tấn, giảm 9% so sản lượng niên vụ. Trung Quốc và Ấn Độ cũng được dự báo sẽ cho thấy sự sụt giảm sản lượng lớn trong niên vụ 2019/2020 (Trung Quốc dự kiến giảm 1,8 triệu tấn, Ấn Độ giảm 1,4 triệu tấn).
Thương mại toàn cầu năm 2020, dự kiến là 46,0 triệu tấn. Mặc dù các thị trường như Bangladesh, Trung Quốc, Nigeria và Sri Lanka NK ít đi, song USDA dự báo, NK gạo sẽ gia tăng tại Philippines, châu Phi cận Sahara và Indonesia.
Đáng chú ý, đối thủ “nặng ký” trên thị trường XK gạo của Việt Nam là Thái Lan, hiện đang đối mặt không ít yếu tố bất lợi. Bên cạnh tác động của tỷ giá đồng bath/USD cao, việc sản lượng gạo của Thái Lan giảm so mọi năm do hạn hán - là một trong những nguyên nhân khiến giá gạo Thái luôn giữ ở mức cao trong thời gian qua.
Bộ Công Thương nhận định, đây là cơ hội để DN Việt tận dụng, cạnh tranh về giá tại các thị trường, nhất là một số thị trường gạo trung chuyển lớn như Singapore, Hồng Kông…
Ngoài ra, trong năm nay, thị trường châu Phi có thể giảm nhu cầu đối với gạo Trung Quốc, do lo ngại sự lây lan của dịch Covid-19, cùng với việc giá gạo của Thái Lan đang mở mức cao, có thể là cơ hội để gạo Việt Nam tiếp tục thâm nhập, mở rộng thị phần tại thị trường châu Phi.
Bộ Công Thương cũng phân tích khá kỹ lưỡng cơ hội thúc đẩy XK gạo đến từ Hiệp định EVFTA và các cam kết trong đàm phán hạn ngạch thuế quan với thị trường Hàn Quốc. Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2020, bên cạnh việc phân bổ 20.000 tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo.
Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ từ đầu tư giữa châu Âu với Việt Nam vào ngày 12/2/2020. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết, việc tận dụng tốt hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm mà EU dành cho Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam thu hẹp bất lợi trong cạnh tranh (với Thái Lan, Campuchia…) và mở rộng thị trường gạo cao cấp.
“Nếu tận dụng tốt năm 2020, chúng ta có thể XK đạt được mức khoảng 100.000 tấn và 100.000 tấn gạo vào 2 thị trường này…”, Bộ Công Thương nhận định.
Cần bám sát tình hình
Để kịp thời ứng phó với tác động của dịch Covid-19 trong thời gian tới và thúc đẩy XK gạo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội Lương thực Việt Nam tiếp tục tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường, thực hiện chương trình XTTM đối với mặt hàng gạo tại các thị trường có khả năng chuyển đổi, trong đó chú trọng các thị trường mới, tiềm năng như châu Phi, Trung Mỹ…
Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT theo dõi, thống kê sát thực tế về tình hình sản xuất, cơ cấu, sản lượng, nguồn thóc… và thường xuyên cập nhật với Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và UBND các tỉnh để định hướng sản xuất, cân đối nguồn thóc, gạo hàng hóa XK.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với thương nhân đầu tư sản xuất, chế biến thóc, gạo công nghệ cao và sản xuất kinh doanh sản phẩm gạo sạch, gạo hữu cơ, gạo có chất lượng, giá trị tăng cao.
Bộ này cũng kiến nghị Thủ tướng giao NHNN Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của thương nhân đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo, cơ sở sấy thóc tại vùng nguyên liệu; thương nhân kinh doanh XK gạo xây dựng vùng nguyên liệu; người sản xuất lúa trong vùng nguyên liệu, người sản xuất lúa có liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo với thương nhân kinh doanh XK gạo; tạo điều kiện giải ngân để thương nhân thu mua thóc, gạo cho người dân.
Bộ Tài chính, tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp, cung cấp kịp thời số liệu XK gạo định kỳ và đột xuất để phục vụ công tác theo dõi, điều hành.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tiếp tục cung cấp thông tin về tình hình cung - cầu gạo, thị trường trong và ngoài nước; chủ động chỉ đạo các hội viên hiệp hội trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường XK gạo.
Đối với các thương nhân, cần nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo và tích cực triển khai xây dựng vùng nguyên liệu theo chính sách của Nhà nước để đảm bảo xây dựng nguồn nguyên liệu chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường XK.
Theo chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân: Bức tranh xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2020 được dự báo tốt, tăng cả lượng và giá. Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên thế giới, nhu cầu dự trữ gạo tại các nước, đặc biệt là Trung Quốc sẽ tăng lên. Do đó, gạo Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo Bùi Quyền
"https://thuonghieucongluan.com.vn/co-hoi-cho-xuat-khau-gao-a90371.html"