Theo PGS. TS. Phan Thu Phương – Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), việc phục hồi chức năng hô hấp vô cùng quan trọng giúp thông khí, làm sạch phổi, đẩy được các cặn khí từ phế nang, tiểu phế quản ra bên ngoài.
Khi bị nhiễm Covid-19, tâm lý của người bệnh và người nhà đều hoang mang nhưng PGS Phương cho rằng mọi người cần bình tĩnh vì hơn 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Chỉ những người có các bệnh lý nền cần đặc biệt chú ý phòng chống lây nhiễm và phải thông báo cho các cơ sở y tế để có can thiệp kịp thời. Những người đang mắc các bệnh lý thông thường nếu bị nhiễm Covid-19 cũng không nên quá lo lắng bởi sẽ khiến sức khỏe của cơ thể bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Trong quá trình theo dõi Covid-19 tại nhà, PGS Phương cho rằng việc tập các bài tập phục hồi chức năng hô hấp vô cùng quan trọng. Chúng sẽ giúp giãn nở lồng ngực, đẩy được dịch hô hấp ra ngoài và tăng cường sức mạnh của các cơ hô hấp đang tham gia vào các hoạt động của đường hô hấp.
PGS.TS.BS Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai
PGS Phương hướng dẫn người bệnh có thể áp dụng các bài tập thở ở nhà như:
Tập thở chúm môi
Tác dụng: làm giãn nở lồng ngực tối đa làm tăng thông khí.
Cách làm: hít sâu từ từ bằng mũi để huy động tối đa khí vào phổi, lồng ngực giãn ra, sau đó chúm môi thở ra từ từ bằng miệng.
Tập thở cơ hoành
Tác dụng: tăng đào thải cặn khí ra khỏi phổi, làm long đờm hoặc dịch từ các cơ quan tận cùng của phổi là phế nang. Tập thở cơ hoành để oxy vào sâu tận các phế nang làm cho đường thở thông thoáng hơn.
Cách làm: hít vào từ từ bằng mũi sao cho phồng bụng lên; sau đó từ từ thở ra bằng miệng sao cho thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào, bụng hóp lại, huy động tối đa cơ hoành để tăng đào thải khí cặn từ các tiểu phế quản, phế nang giúp di chuyển các dịch tiết ra ngoài.
Kỹ thuật ho hữu hiệu
Ho là động tác bảo vệ của cơ thể để tống các chất tiết đường hô hấp ra bên ngoài. Khi nhiễm Covid-19, bạn không nên lạm dụng thuốc giảm ho vì giảm ho có thể làm ứ dịch đường thở và khiến đờm không thải được ra ngoài.
Cách làm: thở chúm môi 5 đến 10 phút để đẩy đờm từ phế nang, phế quản nhỏ ra. Sau đó, tròn miệng hà hơi từ 5 tới 10 lần với tốc độ tăng dần để đẩy đờm dần ra bên ngoài; hít thật sâu và ho hai lần để tống đờm ra. Việc này cũng cần làm đúng kỹ thuật để đạt được hiệu quả tốt nhất và tống được đờm dịch ra khỏi cơ thể.
Thở chu kỳ chủ động
Tác dụng: thông khí tốt, tống đờm hoặc chất dịch hô hấp ra ngoài.
Cách làm: đầu tiên người bệnh thở có kiểm soát, co giãn lồng ngực, hà hơi và lặp đi lặp lại. Thở có kiểm soát, hít thở nhẹ nhàng trong 20 – 30 giây.
Hít thật sâu vào bằng mũi cho căng giãn lồng ngực, nín thở 2 - 3 giây rồi thở ra nhẹ nhàng. Lặp lại thao tác này từ 2 - 3 lần.
Sau đó, hít thật sâu, nín thở 2 – 3 giây và tròn miệng hà hơi, đẩy dòng khí ra ngoài, lặp lại 2 – 3 lần.
Bài tập thở với bóng cao su
Có thể tập thở bằng bóng cao su mua tại cửa hàng thiết bị y tế.
Tác dụng: tránh xẹp phổi, tăng cường chức năng phổi.
Cách làm: hít thật sâu để khí vào lồng ngực, sau đó thổi thật hết vào quả bóng để bóng càng cao càng tốt. Điều này giúp thải khí cặn ở trong phổi ra ngoài để phổi có chỗ chứa nhiều oxy hơn.
Theo PGS Phương, các kỹ thuật tống đờm ra ngoài thực hiện khi bệnh nhân có triệu chứng ho lọc xọc, có viêm long đường hô hấp.
Đồng thời, PGS lưu ý, khi phục hồi chức năng hô hấp cần thực hiện đeo khẩu trang y tế, sử dụng cốc đựng đờm có nắp để ngăn ngừa phát tán virus ra bên ngoài.
Bên cạnh đó, các bệnh nhân Covid-19 cần đảm bảo chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng và uống đủ lượng nước được khuyến nghị để việc điều trị bệnh hiệu quả hơn.