Số ca F0 tăng nhanh, lý do Hà Nội chưa áp dụng cách ly F1, điều trị F0 tại nhà?

10/11/2021 13:45

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) cho biết Hà Nội vẫn đủ nguồn lực để tổ chức cách ly tập trung với số lượng như hiện nay nên chưa cần thiết cách ly F0, F1 tại nhà, đảm bảo hiệu quả chống dịch.

Những ngày gần đây, tại Hà Nội ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Thành phố cũng liên tục xuất hiện những ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây.

Thành phố ghi nhận nhiều ổ dịch mới, nhiều trường hợp không rõ nguồn lây, không triệu chứng… có ý kiến cho rằng Hà Nội nên có phương án cho cách ly F1 tại nhà, điều trị F0 triệu chứng nhẹ tại nhà.

Số ca F0 tăng nhanh, lý do Hà Nội chưa áp dụng cách ly F1, điều trị F0 tại nhà? - Ảnh 1.

Hà Nội vẫn đủ nguồn lực để tổ chức cách ly tập trung với số lượng như hiện nay (Ảnh: VTV)

Hà Nội đủ nguồn lực để F0, F1 cách ly, điều trị tập trung

Trước câu hỏi vì sao Hà Nội chưa áp dụng cách ly F1 tại nhà, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội nhận định: “Quan điểm của thành phố Hà Nội là giữ nguyên việc cách ly tập trung F1 và việc điều trị tập trung F0. Đặc thù của Hà Nội khác các tỉnh”.

Lý giải cụ thể, Phó Giám đốc CDC Hà Nội nêu, thứ nhất, Hà Nội vẫn đủ nguồn lực để tổ chức cách ly tập trung với số lượng như hiện nay. 

"Hà Nội chỉ tính đến cách ly tại nhà khi số lượng người cách ly gia tăng quá cao. Bên cạnh đó, Hà Nội đặc thù đất chật người đông, không đảm bảo đủ an toàn khi cách ly tại nhà, vì vậy F0 nhẹ, không triệu chứng vẫn cần điều trị tập trung", bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, ngày 8/11 cho biết.

Số ca F0 tăng nhanh, lý do Hà Nội chưa áp dụng cách ly F1, điều trị F0 tại nhà? - Ảnh 2.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội.

Tới đây thành phố sẽ không đưa những trường hợp F0 không triệu chứng vào bệnh viện điều trị tập trung mà sẽ thành lập trạm y tế lưu động. Việc lập trạm y tế lưu động tại các địa phương cũng tương tự điều trị tại nhà. Bởi các trạm y tế lưu động này không cố định, không điều trị tập trung. Các quận, huyện, xã, phường đều phải có các địa điểm để điều trị cho F0 không triệu chứng. Hiện nay số cơ sở cách ly tập trung của Hà Nội vẫn chứa được khoảng 60.000-70.000 F1 trở lên. Đến khi toàn thành phố khoảng hàng trăm nghìn trường hợp F1 trở lên mới tính đến phương án cách ly tại nhà, ông Tuấn cho biết thêm.

Theo báo cáo của Sở Y tế, Hà Nội có tổng cộng 42 cơ sở cách ly với 14.639 chỗ. Tính đến 2/11, thành phố đang cách ly tập trung 1.975 người tại 25 cơ sở, đều là F1 nhập cảnh từ vùng dịch. 4.568 F0 điều trị tại cơ sở y tế, trong đó 3.610 người đã ra viện, 618 chuyển viện.

Hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của cộng đồng

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, hiện việc cách ly người từ vùng dịch về đã có quy định của Bộ Y tế, Hà Nội và các địa phương cũng thực hiện theo quy định này. 

Số ca F0 tăng nhanh, lý do Hà Nội chưa áp dụng cách ly F1, điều trị F0 tại nhà? - Ảnh 3.

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. (Ảnh: Bộ Y tế)

Hà Nội nên tính tới phương án cách ly tại nhà sớm, không nên kiên trì cách ly tập trung, rút kinh nghiệm các tỉnh có dịch bùng phát mạnh thời gian vừa qua. Nguyên nhân là thành phố liên tiếp xuất hiện các ổ dịch mới, số ca nhiễm gia tăng trong một tuần trở lại đây khi thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. F1 tăng nhiều khi số F0 cao dẫn tới cơ sở cách ly tập trung hết chỗ. Thêm vào đó, duy trì cách ly tập trung sẽ khiến các cơ sở bị quá tải, có nguy cơ lây nhiễm chéo.

Còn cách ly F1 tại nhà giúp người bị cách ly đỡ tốn kém, người cách ly không bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Nhiều nhà dân tại Hà Nội đã đủ điều kiện, đủ cơ sở vật chất để cách ly tại nhà, hệ thống y tế cơ sở và chính quyền từ thôn, xóm, tổ dân phố đủ năng lực, có thể giám sát, theo dõi người cách ly.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, việc có nên để cho người dân lựa chọn việc cách ly hay không cần phải hài hòa, trong trường hợp đồng ý cho người dân lựa chọn việc cách ly thì phải đảm bảo được yêu cầu của điều kiện cách ly của Bộ Y tế mới xem xét cách ly tại nhà.

"Nếu không có đủ điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cách ly tại nhà, không gian chật chội, dễ có nguy cơ lây lan cho gia đình, cộng đồng vẫn cần cách ly tập trung. Chúng ta phải hết sức hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của cộng đồng và đảm bảo kiểm soát được phòng, chống dịch, không để lây lan dịch bệnh", ông Phu khẳng định.

HM