Trong 20 ngày của tháng đầu tiên trong năm mới 2022, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán giảm sâu và toàn cảnh thị trường chìm trong sắc đỏ. Điều này làm cho nhiều nhà đầu tư, nhất là các F0, tiếp tục hoang mang về viễn cảnh về bờ ngay trước Tết Âm lịch.
Họ đắn đo giữa níu giữ, cố chịu thêm chút lỗ để mong ngày mai tươi sáng, hay nên bán ra ngay để cắt lỗ, tránh mất vốn quá sâu. Các nhà đầu tư không sử dụng vốn tự thân (vốn vay ngoài hoặc dùng kích margin) càng băn khoăn về vấn đề này.
Lịch sử lặp lại?
Tuy nhiên, nhìn lại diễn biến của thị trường trong năm 2021, dường như lịch sử đang có sự lặp lại. Tầm tháng 1 năm ngoái, các nhà đầu tư cũng chứng kiến màn giảm sốc tương tự.
Bản tin chứng khoán ngày 19/1/2021 của tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ có đoạn: "Sau vài phiên giằng co ở ngưỡng 1.200 điểm, phiên giao dịch ngày 19/1, VN-Index rơi từ 1.191 điểm xuống còn 1.131 điểm. Lệnh bán ồ ạt đã kéo chỉ số tụt sâu, nhiều F0 than thở vì tài khoản "bay màu".
Theo đó, đóng cửa ngày 19/1/2021, sàn HoSE có 44 mã tăng và 437 mã giảm (112 mã giảm sàn). Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 986,1 triệu đơn vị, giá trị 20.363,2 tỷ đồng, tăng 32% về khối lượng và 19% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 63 triệu đơn vị, giá trị 2.389 tỷ đồng.
Đó là phiên các nhà đầu tư "bán trong hoảng loạn", đặc biệt dày đặc vào cuối phiê. Thanh khoản cao kỷ lục, ngân hàng và chứng khoán trở thành ''tội đồ'' trong cơn lốc màu đỏ của thị trường. STB, MBB, SSI, TCH, BID, CTG, HDB, VPB ngày 19/1/2021 nằm sàn.
Chứng khoán đỏ lửa dịp đầu năm là diễn biến không đáng lo ngại. Ảnh minh họa: Tài chính tiền tệ
Trong tháng 1, tiền là vua?
Thông tin trên khá tương đồng với thông tin chứng khoán hôm 18/1/2022: VN-Index giảm gần 14 điểm. Kết phiên 18/1, VN-Index giảm 13,9 điểm (0,96%) còn 1.438,94 điểm, HNX-Index giảm 24,13 điểm (5,42%) xuống 421,21 điểm, UPCoM-Index giảm 12,32 điểm (0,85%) về 107,47 điểm.
31 mã giảm sàn gồm: AMD, BII, CEO, CKG, CSC, DIG, DRH, DXG, FID, FLC, HAR, HDC, HQC, IDJ, ITA, ITC, LDG, LGL, NBB, NVT, PTL, PV2, PVL, QCG, SCR, SGR, TDC, TDH, THD, TLD, VPH. Trong nhóm giảm sàn này, một số mã chứng khoán có khối lượng giao dịch lớn: CEO với hơn 3,37 triệu cổ phiếu; CKG với gần 1,6 triệu cổ phiếu; DXG với gần 8,87 triệu cổ phiếu (trong đó khối ngoại mua hơn 1,3 triệu cổ phiếu); HQC với hơn 16 triệu cổ phiếu; ITA với hơn 18 triệu cổ phiếu (trong đó khối ngoại mua hơn 1,38 triệu cổ phiếu); PVL gần 1,7 triệu cổ phiếu; SCR hơn 4,56 triệu cổ phiếu; TDC hơn 1,3 triệu cổ phiếu; TDH gần 2,7 triệu cổ phiếu, VPH gần 1,36 triệu cổ phiếu.
Mức điểm giảm của thị trường chứng khoán sau 365 ngày có vẻ không có nhiều khác biệt nếu đặt bình diện phân tích chung. Các mã giảm chủ yếu ở giai đoạn này của hai năm liên quan đến nhóm tài chính - ngân hàng, bất động sản và xây dựng.
Yếu tố tâm lý muốn gom tiền về tích lũy trước Tết tác động một phần đến việc bán ra của nhà đầu tư. Ảnh minh họa: Tiền Phong
Yếu tố tâm lý tác động rất lớn
Người Việt Nam quan trọng ngày Tết Nguyên đán đủ đầy cũng có thể tác động, ảnh hưởng đến tư duy "chơi" chứng khoán. Họ mong muốn tiền về bên mình trước Tết để tiện bề sắm sửa cho bản thân, gia đình. Yếu tố tâm lý này tác động rất lớn đến quan niệm đầu tư và đây là điều rất khác biệt so với thị trường chứng khoán phương Tây.
Ngoài ra, sự nôn nóng của các nhà đầu tư muốn ăn xổi ở thì, nhanh nhanh thu hồi được vốn và có lãi gấp gáp cũng đẩy thị trường đến những phiên chồng lệnh bán, trắng lệnh mua.
Nếu người nông dân trồng lúa thì chịu sương gió nắng mưa mới tới ngày gặt, còn người đầu tư chứng khoán phải chịu được những lần đau tim do mã giảm thì mới mong có lãi. Nhưng tâm lý không vững kéo theo hành vi bán ồ ạt mỗi khi xảy ra các rung lắc nhẹ, bất kể tình hình tài chính của doanh nghiệp đó khoẻ mạnh trong dài hạn.
Vì vậy, ứng xử bình tĩnh trước mọi diễn biến của thị trường. Và suy nghĩ kỹ trước mỗi hành động của bản thân khi tham gia thị trường. Đây là hai điểm mấu chốt cần suy xét của mỗi nhà đầu tư trước khi bất kỳ hành động nào, nhất là hành động bán khi thị trường đang đỏ điểm.