Đối phó dịch COVID-19: Tuyên bố chung về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN

12/03/2020 17:04

Trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) hẹp lần thứ 26 tại thành phố Đà Nẵng, chiều 11/3, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã ra Tuyên bố chung về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN để đối phó với COVID-19.

Sau hội nghị bộ trưởng kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 tổ chức tại Đà Nẵng, các bộ trưởng kinh tế ASEAN đã ra tuyên bố về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN để đối phó với dịch COVID-19.

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) thể hiện sự quan ngại sâu sắc về sự bùng phát của dịch COVID-19, đang gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như các nền kinh tế trên thế giới.

AEM ghi nhận nỗ lực hiện nay của từng quốc gia thành viên ASEAN, các cơ quan ngành ASEAN cũng như các nền kinh tế khác trong việc kiểm soát sự lây lan và ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đồng thời tuyên dương đóng góp của các nhân viên y tế và phi y tế đã giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

AEM cũng nhận thấy các tác động bất lợi của sự bùng phát dịch COVID-19 đối với nền kinh tế, bao gồm đối với các ngành du lịch, sản xuất, bán lẻ và các dịch vụ khác,… cũng như là sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và thị trường tài chính. Nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với các nỗ lực phối hợp để tránh các tác động bất lợi cho nền kinh tế toàn cầu do sự bùng phát của dịch COVID-19.

AEM đồng ý rằng các biện pháp hạn chế di chuyển qua biên giới phải dựa trên các cân nhắc về sức khoẻ cộng đồng và không nên hạn chế thương mại trong khu vực một cách không cần thiết.

Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đồng ý thực hiện các hành động chọn lọc để giảm thiểu tác động kinh tế của dịch COVID-19 nhằm: Cam kết tiếp tục duy trì mở cửa thương mại và đầu tư trong ASEAN; Tăng cường chia sẻ thông tin trong khu vực và phối hợp để đối phó với các thách thức kinh tế do sự bùng phát của dịch COVID-19;

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị doanh nghiệp, hiệp hội để củng cố hình ảnh Đông Nam Á là trung tâm thương mại đầu tư và du lịch của khu vực; Tận dụng công nghệ và thương mại số để hỗ trợ và cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tiếp tục hoạt động;

Tăng cường khả năng phục hồi và tính bền vững của chuỗi cung ứng, thông qua sự minh bạch, kịp thời, và đặc biệt là nỗ lực chung để đẩy nhanh việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) 2025; Củng cố hợp tác kinh tế ASEAN với các đối tác ngoại khối để tổng hợp các sáng kiến nhằm tăng cường chuỗi cung ứng khu vực để làm ổn định và giảm rủi ro trước những cú sốc bên trong và bên ngoài;

Xây dựng các nền tảng để tạo thuận lợi thương mại hiện có trong ASEAN, như Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), để thúc đẩy và hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng; Kiềm chế các hành động để không tạo ra áp lực lạm phát không cần thiết hoặc không ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh lương thực trong khu vực, nỗ lực để đảm bảo nguồn cung hàng hoá và nhu yếu phẩm.

Tiếp tục dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là các hàng rào cản trở dòng chảy hàng hoá và dịch vụ trong chuỗi cung ứng, và tránh áp dụng các biện pháp phi thuế quan mới và không cần thiết.

Theo Hoan Nguyễn

"https://thuonghieucongluan.com.vn/doi-pho-dich-covid-19-tuyen-bo-chung-ve-tang-cuong-kha-nang-phuc-hoi-kinh-te-cua-asean-a89520.html"